Ung thư là căn bệnh mà bất kỳ ai cũng đều cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Đối với nhiều người, việc bị chẩn đoán ung thư dường như là một án tử không thể nào tránh khỏi. Cùng với đó, cho dù có điều trị được, thì người bệnh cũng phải trải qua một quá trình khó khăn và tốn kém. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các nguyên nhân gây bệnh ung thư và cách phòng ngừa nhé!
Điểm mặt các nguyên nhân có thể gây ra bệnh ung thư
Bệnh ung thư có thực sự đáng sợ như nhiều người từng nghĩ?
Ung thư là bệnh lý gây ra do sự xuất hiện của các tế bào bất thường, với khả năng phân chia không theo sự kiểm soát của cơ thể. Khả năng phân chia liên tục khiến các tế bào này tập hợp thành những khối u ác tính, và có khả năng xâm lấn, di căn và hủy hoại những mô bình thường.
Hiện nay, người ta đã phát hiện được khoảng 100 loại ung thư khác nhau, được đặt tên theo cơ quan mà nó khởi phát. Mỗi loại bệnh ung thư có một tốc độ phát triển khác nhau. Có những loại phát triển rất nhanh như: ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư gan, ung thư buồng trứng,… Trong khi đó, một số loại ung thư phát triển chậm hơn là: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư vú,…
Trong đa số các trường hợp, những loại ung thư có tốc độ phát triển chậm thường sẽ đem lại cho người bệnh hy vọng sống cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn mắc phải những loại ung thư với tốc độ tiến triển nhanh, thì cũng không phải là hết hy vọng cứu chữa.
Những người được điều trị thành công bệnh ung thư và không tái phát trở lại trong vòng 5 năm được sẽ coi là khỏi bệnh. Trên thực tế, khoảng 80% người bệnh ung thư có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
Cùng với đó, rất nhiều phương pháp mới, tiên tiến hơn đã được nghiên cứu và đưa vào điều trị ung thư. Các liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch hay nhiệt trị liệu,… đang giúp cho quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả cao hơn và giảm bớt ảnh hưởng có hại cho người bệnh.
Tuy vậy, việc phòng ngừa ung thư vẫn là điều vô cùng quan trọng. Để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa căn bệnh này, chúng ta cùng điểm qua những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư nhé!
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư là gì?
Trên thực tế, các tế bào ung thư vốn dĩ là những tế bào bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, bởi một hoặc nhiều tác động nào đó, những tế bào này bị biến đổi, và trở thành những tế bào ung thư. Những tác động này có thể kể đến như:
Do di truyền
Có khoảng 5 – 20% các trường hợp mắc bệnh ung thư là do di truyền. Nếu bạn có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư, thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn so với họ hàng xa. Hội chứng ung thư gia đình có thể được nhận biết thông qua các yếu tố sau đây:
- Các thành viên mắc cùng một loại ung thư, đặc biệt nếu đó là loại ung thư ít phổ biến hoặc hiếm gặp,
- Ung thư xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn bình thường.
- Một người có thể mắc nhiều hơn 1 loại ung thư.
- Ung thư xảy ra ở nhiều thế hệ.
Bệnh ung thư có thể di truyền
Do môi trường
Một số tác nhân từ môi trường sống có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của gen di truyền. Chúng làm cho các tế bào bị hư hại, thay đổi cấu trúc gen di truyền, từ đó khiến các tế bào ung thư hình thành. Những tác nhân này có thể kể đến là:
- Bức xạ: Các loại bức xạ được chia thành 2 loại là bức xạ ion hóa và bức xạ cực tím. Trong đó, bức xạ ion hóa xuất phát từ chất phóng xạ có trong một số loại quặng tự nhiên, hoặc nguồn phóng xạ dùng trong y học, rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện nguyên tử,… Bức xạ cực tím có trong ánh sáng mặt trời, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da.
- Khói thuốc lá: Đây là tác nhân gây ra rất nhiều loại ung thư khác nhau, điển hình nhất là ung thư phổi, vòm họng, tụy,… Các loại Hydrocacbon thơm trong thuốc lá như 3 – 4 Benzopyrene đã được chứng minh là gây ung thư trên thực nghiệm.
- Bụi mịn và bụi siêu mịn: Đây là các loại bụi có kích thước siêu nhỏ, cỡ micro đến nanomet. Những loại bụi kích thước càng nhỏ thì càng dễ đi sâu vào cơ thể, làm tổn thương đến gen di truyền. Chúng là nguyên nhân gây ung thư phổi, cùng hàng loạt bệnh lý nguy hiểm khác như nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn mãn tính COPD,…
- Các loại bụi nghề nghiệp: Bụi than, amiăng, silic,… có thể gây ra ung thư phổi và dạ dày.
- Các hóa chất: Thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa hóa học, hóa chất làm tóc, làm móng, dung môi hữu cơ,… cũng có thể gây ung thư.
- Các hạt vi nhựa: Phthalate là một chất có trong các hạt vi nhựa. Nó đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đưa vào danh sách chất có thể gây ung thư.
Do lối sống
Lối sống không lành mạnh cũng là một nguyên nhân khiến bạn mắc phải căn bệnh ung thư. Cụ thể:
- Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá trực tiếp sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người hút thuốc thụ động. Người hút thuốc lá càng lâu năm và hút càng nhiều thì càng có nguy cơ cao bị ung thư.
- Dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không lành mạnh là yếu tố dẫn đến một số loại ung thư như: ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng, vòm mũi họng, vú, nội tiết,… Nitrosamin và các hợp chất N-Nitroso có trong các loại dưa cà muối, cá muối là những chất gây ung thư trên thực nghiệm. Aflatoxin sinh ra từ các loại đồ ăn bị nấm mốc như ngũ cốc bị mốc cũng là một chất gây ra bệnh ung thư gan. Paradimethyl Amino Benzen dùng để nhuộm bơ thành bơ vàng cũng có khả năng gây ung thư gan. Thức ăn hun khói bị nhiễm Benzopyrene cũng có thể gây ung thư.
- Lạm dụng rượu: Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng, cổ họng, thực quản, thanh quản, gan và vú. Bạn càng uống nhiều, nguy cơ của bạn càng cao.
- Mất ngủ mãn tính: Mất ngủ triền miên kéo dài được chứng minh là có liên quan đến một số loại ung thư như: ung thư đại trực tràng, ung thư vú,…
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư
Do tác nhân sinh học
- Virus Epstein – Barr: Loại virus này có liên quan lớn đến bệnh ung thư vòm họng – phổ biến ở các nước ven Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc và một số nước Đông Nam á, trong đó có Việt Nam.
- Virus viêm gan B: Đây là loại virus gây ung thư gan nguyên phát. Virus này sẽ gây cả viêm gan cấp và mãn tính. Tổn thương gan theo thời gian sẽ dẫn đến xơ gan toàn bộ và ung thư gan.
- Virus gây u nhú thường truyền qua đường sinh dục: Loại virus này được coi là có liên quan đến ung thư vùng âm hộ, âm đạo và cổ tử cung.
- Virus HTLV1: Đây là loại virus liên quan đến bệnh bạch cầu tế bào T.
- Sán Schistosoma: Loại sán này thường có liên quan với ung thư bàng quang và ung thư niệu quản.
Phòng ngừa bệnh ung thư bằng cách nào?
Từ những nguyên nhân kể trên, chúng ta sẽ có một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh ung thư như:
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.
- Ăn uống lành mạnh, tăng cường sử dụng rau củ, trái cây tươi để bổ sung chất xơ, vitamin khoáng chất. Hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán, hun khói, dưa cải muối, cá muối,…
- Sử dụng những thực phẩm hữu cơ, rõ nguồn gốc, không nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phẩm màu,…
- Tắm nắng vào sáng sớm để cơ thể tổng hợp vitamin D, giúp phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng,…
- Tránh ở ngoài trời quá lâu trong thời điểm bức xạ mặt trời mạnh như giữa trưa và đầu giờ chiều. Nếu bắt buộc, bạn hãy sử dụng kính râm, mũ, áo và kem chống nắng.
- Tập thể dục thường xuyên cũng sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt và phòng ngừa ung thư.
- Đeo khẩu trang chống bụi mịn và mặc đồ bảo hộ khi lao động trong môi trường độc hại.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress và ngủ đủ giấc.
- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư, nhất là khi bạn mắc các bệnh như phì đại tuyến tiền liệt, viêm đại tràng mãn tính, COPD,…
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về các nguyên nhân gây ung thư và cách phòng ngừa. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- 60% người bệnh ung thư máu sống được trên 5 năm nhờ ghép tế bào gốc tạo máu
- Ngứa da, đau bụng – Dấu hiệu ung thư tuyến tụy không thể bỏ qua