Nhiều người bị chán ăn, mệt mỏi hơn vào mùa thu và thường lựa chọn uống các thức uống có đường như soda để kích thích vị giác và tỉnh táo. Tuy nhiên uống soda mỗi ngày liệu có tốt không? Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi bạn uống soda mỗi ngày?
Sự kết hợp giữa vị ngọt, cacbonat và caffeine khiến soda trở thành thức uống yêu thích của nhiều người. Nhưng mặt khác, soda có thể là nguồn cung cấp calo rỗng, đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo. Dưới đây là một số thông tin liên quan tới vấn đề điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn uống soda mỗi ngày:
1. Nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ tăng lên
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ . Thật không may, uống soda mỗi ngày có thể làm tăng thêm nguy cơ này. Một phân tích tổng hợp vào tháng 5 năm 2014 về xơ vữa động mạch cho thấy một khẩu phần soda hoặc đồ uống có đường khác hàng ngày có liên quan đến việc tăng 16% bệnh tim.
Ngoài ra, cả soda thông thường và soda dành cho người ăn kiêng đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ, theo một nghiên cứu vào tháng 5 năm 2012 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ.
2. Uống soda mỗi ngày tác động tiêu cực tới sức khỏe đường ruột
Mặc dù vị ngọt của soda có thể là nguồn kích thích vị giác mới mẻ cho nhiều người nhưng nếu uống soda mỗi ngày thì thực sự có thể gây hại nhiều hơn, bao gồm cả soda ăn kiêng.
– Kích ứng dạ dày
Mặc dù soda có thể không trực tiếp gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày nhưng soda có hàm lượng cacbonat cao, có thể gây kích ứng cho những người vốn có vấn đề về tiêu hóa, theo EatingWell. Đối với những người bị viêm dạ dày, loét, trào ngược axit và những tình trạng tương tự – axit carbonic có thể làm nặng thêm các triệu chứng và gây khó chịu, đặc biệt nếu bạn đang bị viêm mãn tính.
Theo nghiên cứu thì uống trên 295ml soda có thể gây kích ứng dạ dày do tính axit cao, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy những thay đổi trực tiếp trong dạ dày khi uống.
– Thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột
Mặc dù chất làm ngọt nhân tạo ban đầu được sử dụng như một chất thay thế “lành mạnh hơn”, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều đó có thể không đúng. Một nghiên cứu năm 2022 xuất bản trên Cell cho thấy chất làm ngọt nhân tạo, kể cả trong soda ăn kiêng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ vi sinh vật đưởng uột và kiểm soát đường huyết.
Chất làm ngọt nhân tạo còn góp phần làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng trao đổi chất như bệnh tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa.
Theo Livestrong, một số chất làm ngọt nhân tạo như sucralose đã được chứng minh là có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột.
3. Ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng
Theo một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Biomimetics, uống soda có liên quan đến sâu răng, xói mòn men răng và mất răng. Soda có tính axit và lượng đường cao, chất này sẽ biến thành axit lactic hình thành nên các mảng bám và tạo điều kiện cho vi khuẩn phá hủy răng và men răng gây sâu răng.
Ngoài việc làm hỏng răng, soda còn có thể ảnh hưởng đến việc vệ sinh răng miệng của bạn theo nhiều cách, bao gồm cả những thay đổi về nước bọt và nướu. Cụ thể, nước bọt đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng vì nó giúp trung hòa axit trong miệng và rửa sạch các mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn. Tuy nhiên, uống soda có thể làm giảm sản xuất nước bọt, khiến miệng bạn khó chống lại vi khuẩn có hại hơn.
Đặc biệt, đường và axit trong soda có thể gây kích ứng và viêm nướu dẫn đến sưng, chảy máu và thậm chí tụt nướu. Nếu không điều trị sớm, bệnh nướu răng hay còn gọi là bệnh nha chu có thể dẫn đến mất răng và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
4. Tăng lượng đường trong máu và tăng nguy cơ kháng insulin
Soda, giống như các loại đồ uống có đường khác, có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến sau khi uống. Khi lượng đường trong máu tăng đột biến, insulin sẽ được giải phóng vào máu để đưa lượng đường đó vào tế bào để lấy năng lượng hoặc dự trữ.
Uống soda mỗi ngày có nghĩa là lượng đường trong máu và insulin tăng đột biến xảy ra thường xuyên trong ngày, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù soda dành cho người ăn kiêng không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu nhưng vẫn cần thận trọng khi uống loại soda này nếu uống thường xuyên.
Hay nói cách khác, sự biến đổi liên tục của sự tăng – giảm glucose thấy thường trong ngày có thể dẫn tới xu hướng biến đổi đường huyết đột ngột. Chính điều này góp phần gây ra sự tăng giảm năng lượng cơ thể dẫn tới mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và tăng nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường, tiểu đường và bệnh tim mạch.
5. Sức khỏe của lá gan
Gan tham gia trực tiếp và quá trình chuyển hóa đường từ soda. Chất làm ngọt chính trong soda là sirô ngô có hàm lượng fructose cao, làm tăng sản xuất chất béo trong gan. Điều đó có nghĩa là uống soda mỗi ngày có thể làm tăng lượng chất béo sản xuất trong gan, cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
6. Uống soda mỗi ngày có thể gây tăng cân
Nếu bạn đang thắc mắc uống soda mỗi ngày có tăng cân không thì câu trả lời là có. Soda là nguồn cung cấp thêm calo và đường trong chế độ ăn uống. Khi bạn uống soda mỗi ngày, lượng calo dư thừa này có thể thúc đẩy tăng cân. Trung bình 1 lon soda 470ml có tới:
– 207 calo, 10% giá trị hàng ngày (DV)
– 1,2 gam chất béo, 2% DV
– 51 gram carbs, 17% DV
– 49 gram đường, 98% DV.
Vậy soda ăn kiêng có gây tăng cân không? Theo Livestrong, mặc dù soda dành cho người ăn kiêng không cung cấp bất kỳ calo hoặc đường nào nhưng điều thú vị là uống nó hàng ngày cũng có thể liên quan đến việc tăng cân.
Trong một nghiên cứu vào tháng 3 năm 2015 trên Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ cho thấy, những người từ 65 tuổi trở lên uống nhiều soda dành cho người ăn kiêng được quan sát thấy có nhiều mỡ bụng hơn so với nhóm không sử dụng.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa soda ăn kiêng và tăng cân rất phức tạp. Ban đầu, việc thay thế soda bằng soda dành cho người ăn kiêng có nghĩa là cắt giảm lượng calo và đường dư thừa trong chế độ ăn uống. Nhưng vấn đề là nếu bạn uống soda ăn kiêng hàng ngày, hương vị ngọt ngào này vẫn có thể tăng cảm giác thèm ăn đồ ngọt suốt cả ngày ở bạn.
7. Tăng chất béo trung tính và giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt)
Lượng đường bổ sung cao có thể làm tăng chất béo trung tính và giảm cholesterol tốt trong máu. Theo một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người trưởng thành uống soda thường xuyên có nguy cơ có mức HDL thấp cao hơn 98% và nguy cơ phát triển chất béo trung tính cao cao hơn 53%.
Nếu đường trong soda không được sử dụng cho hoạt động thể chất, gan sẽ biến đường thành chất béo (triglyceride) ở những bệnh nhân thường xuyên uống soda trong nhiều năm. Từ đó làm tăng nguy cơ cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch.
8. Nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn
Theo Livestrong, có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất có thể xảy ra khi bạn uống soda mỗi ngày là nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng lên.
Trong một nghiên cứu lớn vào tháng 9 năm 2019 trên JAMA Internal Medicine, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ hơn 451.000 người trên 10 quốc gia châu Âu và nhận thấy việc tiêu thụ nước ngọt có đường và nước ngọt nhân tạo có liên quan mật thiết tới nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Ngoài các ảnh hưởng tiêu cực từ việc uống soda mỗi ngày kể trên thì còn các nguy cơ sức khỏe khác liên quan tới thói quen thường xuyên uống soda như: tăng nguy cơ mất trí nhớ, bệnh gout, tăng nguy cơ kháng leptin,…
9. Dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều soda
Các triệu chứng cho thấy bạn uống quá nhiều soda có thể bao gồm:
– Đau ngực, ợ nóng, trào ngược ở người có vấn đề về tiêu hóa
– Khó tiêu, viêm, buồn nôn, tiêu chảy và đầy hơi do lượng đường cao hoặc chất ngọt nhân tạo
– Mất nước và đi tiểu nhiều hơn do caffein và đường
– Tâm trạng thất thường, cảm thấy yếu ớt, run rẩy và đói do lượng đường trong máu dao động thường xuyên
– Cảm giác thèm ăn đồ ngọt nhiều hơn.
Nhìn chung, soda – giống như tất cả các loại đồ uống – có thể được thưởng thức ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên nếu uống soda mỗi ngày sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với sức khỏe. Mỗi tuần uống một lần được xem như một lời khuyên để sức khỏe bạn không bị ảnh hưởng.