Điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum Toxin

1. Đại cương

Tăng tiết mồ hôi (hyperhydrosis) thường được định nghĩa là sự tiết mồ hôi quá mức hay là sự tiết mồ hôi vượt quá nhu cầu sinh lý cho phép đối với nhu cầu điều hòa nhiệt của cơ thể và điều kiện của môi trường.

Tăng tiết mồ hôi thường đối xứng, một số trường hợp có thể chỉ bị ở một bên. Bệnh không đau, không nguy nhiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Hình 1: Tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay

2. Nguyên nhân tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Là loại tăng tiết mồ hôi hay gặp nhất, thường là tăng tiết mồ hôi khu trú, vô căn và hay gặp ở người khỏe mạnh ở vị trí lòng bàn tay, bàn chân, nách.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát: Tiết mồ hôi quá mức, khu trú, nhìn thấy được, kéo dài ít nhất 6 tháng mà không có nguyên nhân rõ ràng với ít nhất 2 trong số các đặc điểm sau:

  • Tiết mồ hôi 2 bên đối xứng
  • Suy giảm hoạt động hằng ngày
  • Tuần suất ít nhất 1 lần/tuần
  • Tuổi khởi phát dưới 25
  • Có tiền sử gia đình
  • Không xảy ra trong lúc ngủ

Tăng tiết mồ hôi thứ phát: thường là tăng tiết mồ hôi toàn thể, xuất hiện theo sau một số bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, nội tiết, chuyển hóa, tim mạch, thần kinh, tâm thần và ác tính. Tăng tiết mồ hôi cũng có thể do một vài thuốc và độc chất gây ra.

3. Mức độ tăng tiết mồ hôi

Dựa vào thang điểm HDSS (Hyperhidrosis disease severity scale):

  • 1 điểm: Không gây chú ý, hầu như không bao giờ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
  • 2 điểm: Trong giới hạn chịu được, đôi khi ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
  • 3 điểm: Rất khó chịu, thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
  • 4 điểm: Không chịu đựng nổi, luôn làm ảnh hưởng đến các hoạt động

Cần chú ý rằng, chỉ có mức độ 3 và 4 mới được cho là tăng tiết mồ hôi thực sự.

4. Điều trị tăng tiết mồ hôi

Có rất nhiều phương pháp điều trị chứng tăng tiết mồ hôi

Muối nhôm

Thành phần của các thuốc này chủ yếu là muối nhôm như chlorua nhôm, sulfate nhôm… có tác dụng bịt kín lỗ chân lông để ngăn mồ hôi thoát ra trên bề mặt da. Do đó, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và cần phải sử dụng hằng ngày. Cần lưu ý, thuốc có thể gây tác dụng phụ như ngứa rát, nổi mẩn trên da với những người có cơ địa nhạy cảm.

Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh acetylcholine tại các thụ thể muscarinic của tuyến mồ hôi.

Liệu pháp ionSử dụng nguồn điện đưa ion qua da thông qua hệ thống thủy phân. Thời gian 10-20 phút/ngày trong nhiều ngày. Có thể gây ra cảm giác khó chịu, kích ứng hoặc tiêm da tiếp xúc

Vi sóng (Microwave)

Sử dụng năng lượng sóng siêu âm làm teo các tuyến mồ hôi dưới da. Phương pháp này cho kết quả điều trị cao trong tăng tiết mồi hôi vùng nách tuy nhiên cần điều trị nhiều lần.

Botulinum toxin (BoNT)

Botulinum toxin là một protein và là một độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum (một loại vi khuẩn gây ngộc độc thịt) tạo ra. Trong đó botulinum toxin type A (botox – BoNT-A) được biết đến và sử dụng nhiều nhất. Việc ứng dụng tiêm botox điều trị tăng tiết mồ hôi được biết đến vào những thập niên 90 của thế kỷ XX. Cơ chế được biết đến nhiều nhất của botox là ức chế giải phóng acetylcholin ở màng trước synap làm giảm hoạt động của tuyến mồ hôi eccrine.

Hình 2: Botulinum toxin A

Cắt hạch thần kinh giao cảm

Cắt hạch giao cảm là phương pháp can thiệp ngoại khoa nhằm phá hủy các hạch giao cảm ngực bằng nội soi để giảm tiết mồ hôi ở tay, nách. Đây là lựa chọn cuối cùng khi những phương pháp trên không hiệu quả, bởi lẽ nó còn tồn tại nhiều biến chứng không thể lường trước như nhiễm trùng sau mổ, tăng tiết mồ hôi bù trừ ở những vùng khác như chân, lưng, bụng…

5. Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi

5.1 Đại cương

Tăng tiết mồ hôi ở nách, lòng bàn tay-bàn chân bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiệt độ bên ngoài, thường nặng hơn vào mùa hè so với mùa đông. Những người mắc phải tình trạng này có nách, lòng bàn tay-bàn chân thường xuyên bị ẩm ướt và trông rất mất vệ sinh khi mặc áo cánh, áo phông mỏng, sáng màu. Quần áo sáng màu thường bị ố vàng hoặc nâu do ra nhiều mồ hôi cũng như khó khăn trong thực hiện các công việc hàng ngày của bàn tay, bàn chân nhất là những ngành nghề cần đến đôi tay khéo léo như bác sỹ phẫu thuật, sửa chữa máy tính, họa sỹ…

Điều trị Botulinum toxin trong tăng tiết mồ hôi nách, mồ hôi tay – chân là bước ngoặt ở thế kỷ. BoNT-A đã trở thành phương pháp điều trị mới, xâm lấn tối thiểu đối với tăng tiết mồ hôi khu trú. Khi được tiêm dưới da, độc tố thần kinh ngăn sự phóng thích Acetycholine từ các sợi thần kinh giao cảm vốn có vai trò kích thích các tuyến tiết mồ hôi và gây ngưng tiết mồi hôi khu trú và kéo dài nhưng có hồi phục.

Bên cạnh đó, phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi bằng BoNT-A là một lựa chọn rất hấp dẫn vì quy trình đơn giản, hiệu quả cao, thuận tiện cho bệnh nhân. Quy trình này thực hiện chỉ mất 20-30 phút sau khi gây tê tại chỗ trong 30 phút và hiệu quả kéo dài tới 6 tháng. Nếu thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 5, người bệnh có thể chịu đựng tốt mùa hè nóng bức mà không bị đổ mồ hôi trộm. Việc tiêm nhiều lần BoNT-A cũng có thể dẫn đến hiệu quả giảm tiết mồ hôi kéo dài và thậm chí chữa khỏi bệnh vĩnh viễn trong một số trường hợp.

Các nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên có đối chứng giả dược trên thế giới đã cho thấy rõ tính an toàn và hiệu quả của BoNT trong điều trị tăng tiết mồ hôi. Trong một nghiên cứu trên 320 bệnh nhân ở châu Âu có tình trạng tăng tiết mồ hôi nách, 94% đáp ứng điều trị ở tuần thứ 4 với liều 50U onabotulinumtoxin A (OnaBTX-A) mỗi nách. Thời gian hiệu quả trung bình là khoảng 7 tháng sau điều trị lần đầu và khoảng 28% bệnh nhân chưa cần tiêm lần thứ 2 có hiệu quả kéo dài 16 tháng. Không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng, 4% bệnh nhân than phiền tăng tiết mồ hôi ở vị trí khác ngoài nách. Như vậy điều trị BoNT-A cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

5.2. Chỉ định, chống chỉ định của Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi

Hiện nay, với hội chứng tăng tiết mồ hôi thì FDA chỉ mới chấp thuận duy nhất OnaBTX-A trong điều trị tăng tiết mồ hôi nặng vào năm 2004.

Tuy nhiên, người ta cũng sử dụng BTX trong điều trị một số vùng tăng tiết mồ hôi khác như:

  • Tăng tiết mồ hôi lòng bàn chân, bàn tay
  • Tăng tiết mồi hôi vùng mặt: trán, mũi
  • Tăng tiết mồ hôi vùng thân mình: ngực, lưng

Chỉ định của Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi:

  • Bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nguyên phát
  • Bệnh nhân sau khi đã thay đổi chế độ sinh hoạt và sử dụng thuốc bôi để điều trị nhưng không cải thiện
  • Bệnh nhân > 13 tuổi

Chống chỉ định của Botulinum toxin trong điều trị tăng tiết mồ hôi:

  • Các chống chỉ định chung của BTX
  • Bệnh nhân tăng tiết mồ hôi thứ phát
  • Bệnh nhân
  • Bệnh nhân kỳ vọng quá cao

Bệnh nhân sẽ được gây tê hoặc gây mê trước khi thực hiện điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum toxin.

Hình 3: Điều trị tăng tiết mồ hôi nách bằng Botulinum toxin

5.3 Thời gian tác dụng và tiêm nhắc lại:

Hiệu quả của phương pháp tiêm Botulinum toxin đạt tối đa sau 1 tháng và kéo dài 6-9 tháng sau tiêm.

Tiêm nhắc lại cho bệnh nhân sau 6-9 tháng tùy mức độ tái phát của bệnh nhân. Vẫn tiêm nhắc lại liều như cũ. Sau mỗi lần tiêm, thời gian kéo dài và hiệu quả tăng dần lên. Một số bệnh nhân sau tiêm nhắc lại lần thứ 3 hoặc 4 có thể đạt được thời gian tác dụng lâu dài.

5.4 Biến chứng

Một số biến chứng có thể xảy ra khi điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Botulinum toxin:

  • Đau lúc tiêm
  • Bầm tím
  • Chảy máu
  • Ngứa, kích ứng
  • Tăng tiết mồ hôi vị trí khác
  • Khác: đau đầu, đau cơ, mỏi vai

Tuy nhiên, không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào

Tài liệu tham khảo

1. Henning MAS, Bouazzi D, Jemec GBE. Treatment of Hyperhidrosis: An Update. Am J Clin Dermatol. 2022 Sep;23(5):635-646. doi: 10.1007/s40257-022-00707-x. Epub 2022 Jul 1.

2. Nawrocki S, Cha J. Botulinum toxin: Pharmacology and injectable administration for the treatment of primary hyperhidrosis. J Am Acad Dermatol. 2020 Apr;82(4):969-979.

3. He J, Wang T, Dong J. A close positive correlation between malodor and sweating as a marker for the treatment of axillary bromhidrosis with Botulinum toxin A. J Dermatolog Treat. 2012 Dec;23(6):461-4.

4. He J, Wang T, Dong J. Effectiveness of botulinum toxin A injection for the treatment of secondary axillary bromhidrosis. J Plast Reconstr Aesthet Surg. 2017 Nov;70(11):1641-1645

5. Naumann M, Lowe NJ. Botulinum toxin type A in treatment of bilateral primary axillary hyperhidrosis: randomised, parallel group, double blind, placebo controlled trial. BMJ. 2001 Sep 15;323(7313):596-9. doi: 10.1136/bmj.323.7313.596.

Viết bài: THS.BS Vũ Thị Hồng Luyến – Bệnh viện Da liễu Trung ương

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *