Nhiều bạn trẻ ăn đậu đỏ trọn 3 mùa vẫn chưa thoát… “ế”
Ngày 7/7 Âm lịch hàng năm được dân gian gọi là lễ Thất Tịch, hay còn được coi là ngày lễ tình nhân của người Phương Đông. Vào ngày Thất tịch, nhiều người lưu truyền thói quen như: Ăn chè đậu đỏ, đi lễ chùa cầu phước, làm điều may,…
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, nếu người đang độc thân ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ nhanh chóng tìm được ý trung nhân. Ngược lại, những người đã có đôi ăn đậu đỏ vào ngày này, tình yêu sẽ bền chặt, bên nhau cả đời.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong sáng ngày 10/8 (ngày 7/7 Âm lịch), nhiều người Hà Nội đặc biệt là người trẻ chen chân, xếp hàng ở các quán chè, cà phê chờ mua… chè đậu đỏ.
Đinh Quỳnh Thu (23 tuổi, Hà Nội) cho hay, dù biết việc ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch để “thoát ế” chỉ là quan niệm dân gian nhưng “có thử còn hơn không”.
“Ba năm nay, vào ngày 7/7 Âm lịch nào, tôi cũng mua chè đậu đỏ ăn với hy vọng mình sẽ gặp may mắn trong chuyện tình cảm. Tuy nhiên, hiện tại tôi vẫn chưa có… người yêu. Hy vọng năm nay sẽ là mùa Thất tịch cô đơn cuối cùng. Sang năm biết đâu tôi lại may mắn có người yêu đi ăn chè đậu đỏ cùng”, Quỳnh Thu cười nói.
Ngoài mua một suất cho bản thân, Quỳnh Thu còn mua thêm cho bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan với mong muốn san sẻ sự “may mắn về tình duyên” cho mọi người.
Bận rộn từ sáng sớm, điện thoại liên tục nổ chuông vì các đơn đặt hàng, anh Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi, shipper) cho biết, nhận 20 đơn thì có đến 15 đơn là chè đậu đỏ hoặc các món làm từ đậu đỏ.
“Tôi đi làm từ 7h sáng, có những đơn giao đến văn phòng, đặt gần 30 cốc chè đậu đỏ. Hàng quán chè ở Hà Nội trong ngày này đều đông đúc từ sớm, đến đâu tôi cũng phải xếp hàng”, anh Tuấn nói.
Các quán chè đông người xếp hàng từ sáng sớm
Vừa múc chè không ngơi tay, anh Nguyễn Minh Luân, nhân viên quán chè Bốn mùa (phố Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, năm nào vào ngày Thất tịch cửa hàng anh cũng đông quá tải so với ngày thường.
“Sáng nay, cửa hàng tôi chỉ vừa mở hàng hơn một tiếng nhưng đã có một lượng lớn khách đến hỏi mua chè đậu đỏ. Ước tính cũng trên 200 cốc.
Chúng tôi phải chuẩn bị nguyên liệu và nhân lực gấp 2, thậm chí gấp 3 ngày thường. Như năm vừa rồi cửa hàng quá đông, khách không có đủ chỗ ngồi nên phải xếp hàng mua mang về hoặc đặt qua ứng dụng trên mạng. Nhiều đơn đặt hàng nhưng chiều mới lấy được vì hết hàng”, anh Luân nói.
Nhân viên quán chè này cũng cho biết, chè đậu đỏ chỉ “hot” và bán chạy vào ngày Thất tịch. Năm 2019, khi chè đậu đỏ lần đầu rộ lên, quán chưa có kinh nghiệm nên thiếu chè để phục vụ bởi lượng khách quá lớn.
“Mấy năm nay chúng tôi luôn chuẩn bị lượng hàng lớn, nấu từ đêm đến sáng, để đảm bảo chè hầm nhừ, không bị cứng mà cũng không lo cháy hàng”, anh Luân chia sẻ thêm.
8h30, anh Phạm Minh Tú (24 tuổi, Hà Nội) đã rủ bạn bè đi ăn chè đậu đỏ. Anh Tú cười tươi cho biết, lễ Thất tịch năm ngoái, nhờ mua chè đậu đỏ ăn nên đã may mắn gặp được người yêu hiện tại.
“Năm ngoái tôi đi đến đây ăn chè một mình, sau đó mấy tháng thì cũng “hiệu nghiệm” và có người yêu. Năm nay, tôi rủ bạn đến đây ăn và mua chè mang về cho bạn gái vì tôi nghe nói cùng ăn chè với nhau thì tình cảm sẽ bền chặt”, anh Tú cười nói.
Theo ghi nhận, giá chè đậu đỏ ở Hà Nội dao động 35-40.000 đồng/cốc.
Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cũng check-in với chè đậu đỏ trong ngày này. Một số món ăn làm từ đậu đỏ trong ngày Thất tịch cũng khá hút khách như: Trà sữa đậu đỏ, đá bào đậu đỏ, tào phớ đậu đỏ, bánh bao đậu đỏ,…
Vài năm gần đây, nhiều người Việt đặc biệt là người trẻ thường rộ lên trào lưu ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch. Thực tế, món ăn này xuất phát từ Trung Quốc, gần đây trở nên phổ biến ở nhiều nước châu Á. Theo quan niệm phương Đông, màu đỏ luôn được coi là màu của sự may mắn, hạnh phúc và tình yêu. Đậu đỏ với màu sắc đặc trưng được cho là sẽ mang đến vận may, niềm vui và sự ấm áp trong tình cảm.
Người trẻ tin rằng, việc ăn chè đậu đỏ sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc, ai độc thân sẽ sớm “thoát ế”.
Kiều Minh – Thu Huyền