Hở van 2 lá là một trong những loại hở van tim phổ biến trên lâm sàng. Nếu không được điều trị tốt, mức độ hở van sẽ nặng dần lên theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.
Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hở van 2 lá là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Hở van 2 lá: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hở van 2 lá là gì?
Mỗi trái tim đều sở hữu 4 loại van bao gồm: van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Những chiếc van này có khả năng đóng mở, giúp cho máu lưu thông bên trong và ra ngoài tim theo một chiều nhất định.
Trong đó, van 2 lá nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Khi van 2 lá mở, máu sẽ đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái. Van sẽ đóng kín lại khi tâm thất trái co bóp để đẩy dòng máu từ đây vào động mạch chủ.
Hở van 2 lá xảy ra khi van này bị hư hại và không đóng kín lại như bình thường. Do đó, khi thất trái co bóp, một lượng máu sẽ bị bơm ngược trở lại vào nhĩ trái. Mức độ hở càng lớn, thì lượng máu trào ngược càng nhiều, khiến hoạt động của tim bị rối loạn.
Các mức độ hở van 2 lá
Hở van 2 lá được chia thành 4 mức độ từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Mức độ hở càng lớn thì nguy cơ gặp phải các biến chứng càng cao và việc điều trị càng khó khăn hơn. Theo đó:
Hở van 2 lá 1/4
Hở van 2 lá 1/4 là mức độ nhẹ nhất, được coi là hở van sinh lý. Lúc này, người bệnh đa số đều không nhận thấy dấu hiệu gì, hoặc chỉ thấy một số biểu hiện rất mờ nhạt. Hở van 2 lá 1/4 thường chưa cần phải điều trị, mà chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Hở van 2 lá 2/4
Hở van 2 lá 2/4 là mức độ hở trung bình. Phần lớn người bệnh hở van tim 2 lá 2/4 cũng có các triệu chứng không rõ ràng và thường được phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát, hay khám các bệnh lý khác. Người bệnh hở van 2 lá 2/4 sẽ phải dùng thuốc kết hợp điều chỉnh lối sống.
Hở van 2 lá 3/4
Hở van 2 lá 3/4 là mức độ hở van nặng. Các triệu chứng hở van tim 2 lá đã trở nên rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người bệnh. Lúc này, người bệnh cần điều trị tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Hở van 2 lá 4/4
Hở van 2 lá 4/4 là mức độ hở van nặng nhất. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao vì những biến chứng của bệnh nếu không được điều trị tích cực hoặc can thiệp thay van tim kịp thời.
Hở van 2 lá khiến máu trào ngược về tâm nhĩ
Nguyên nhân gây hở van 2 lá
Một số nguyên nhân có thể gây ra hở van 2 lá đã được biết đến là:
- Sốt thấp khớp (hay bệnh thấp tim): Đây là tình trạng van 2 lá bị tổn thương do phản ứng miễn dịch của cơ thể, sau khi mắc viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A.
- Sa van 2 lá: là tình trạng một hoặc cả 2 lá van bị tổn thương và phồng lên, sa vào nhĩ trái khi tâm thất trái co lại, khiến van không đóng kín lại được.
- Nhồi máu cơ tim khiến vùng cơ tim liên kết với van 2 lá bị tổn thương, dẫn đến hở van 2 lá đột ngột và nghiêm trọng.
- Dị tật tim bẩm sinh: Cấu trúc van 2 lá bất thường ngay từ khi sinh ra, nên không thể đóng kín.
- Bệnh cơ tim như: bệnh cơ tim giãn và bệnh cơ tim phì đại.
- Viêm nội tâm mạc: là tình trạng nhiễm trùng màng trong tim (đây là lớp màng bao phủ mặt ngoài của các lá van).
- Xạ trị vùng ngực (hiếm gặp).
Triệu chứng hở van 2 lá
Hở van 2 lá thường diễn tiến chậm, nên nhiều người thường không biết mình mắc bệnh trong nhiều năm. Theo thời gian, khi mức độ hở van 2 lá nặng hơn, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động gắng sức.
- Tim đập nhanh, loạn nhịp.
- Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động mạnh, hoặc khi nằm xuống.
- Sưng phù bàn chân hoặc mắt cá chân.
- Đi tiểu nhiều vào ban đêm.
- Ho khan.
Khó thở, mệt mỏi là triệu chứng hở van 2 lá
Biến chứng của hở van 2 lá
Khi không được kiểm soát tốt, tình trạng hở van 2 lá có thể nặng dần lên theo thời gian và dẫn đến các biến chứng như:
- Rung nhĩ gây ngừng tim, hoặc làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Tăng áp lực động mạch phổi khiến dịch tích tụ trong phổi và gây khó thở nghiêm trọng.
- Suy tim do tâm thất trái phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ lượng máu. Về lâu dài, buồng tâm thất dày lên và trở nên suy yếu, khiến chức năng bơm máu bị giảm sút.
Điều trị hở van 2 lá
Từ mức độ hở van 2 lá 2/4 trở lên, người bệnh sẽ cần tiếp nhận điều trị. Các phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc dựa trên từng trường hợp cụ thể. Theo đó, các phương pháp này gồm có:
Sử dụng thuốc
- Thuốc lợi tiểu giúp làm giảm tích tụ dịch trong phổi và các bộ phận khác; từ đó làm giảm triệu chứng khó thở, phù chi và hạ huyết áp.
- Thuốc chống đông máu để phòng ngừa huyết khối ở người bệnh hở van 2 lá có tình trạng rung nhĩ.
- Thuốc hạ huyết áp như: nhóm ức chế men chuyển, chẹn beta, chẹn kênh canxi,…
- Các thuốc kháng sinh, hạ mỡ máu,… để điều trị các bệnh lý mắc kèm,
Phẫu thuật
- Sửa van tim được thực hiện nếu cấu trúc van thích hợp để sửa.
- Thay van tim nhân tạo được thực hiện khi van tim bị vôi hóa, hư hỏng nặng không thể chỉnh sửa.
- Can thiệp sửa van hai lá qua ống thông – MitraClip: Bác sĩ sẽ kẹp van 2 lá bị hở khi tim đang đập, tạo ra lỗ van hình số 8, làm giảm đáng kể mức độ hở, ngăn chặn dòng máu trào ngược, giúp tim bơm máu hiệu quả hơn.
Can thiệp sửa van hai lá qua ống thông – MitraClip
Các biện pháp hỗ trợ
- Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…
- Sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe như Omega-3 có trong dầu ô liu, các loại quả hạch và các loại cá béo; tránh ăn nhiều mỡ động vật, đồ ăn nhanh, các thức ăn chế biến sẵn,…
- Giảm ăn muối, không ăn thực phẩm quá mặn, thực phẩm đóng hộp.
- Tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc.
- Duy trì cân nặng lý tưởng.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn bằng cách giữ vệ sinh các nhân, đeo khẩu trang.
- Kiểm soát các bệnh lý mắc kèm.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị hở van 2 lá. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- Thận đa nang là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị
- Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa