Trong những ngày vừa qua, hàng loạt các trang báo uy tín như suckhoedoisong, VnExpress, Công an nhân dân… đưa tin về một trường hợp nam sinh 16 tuổi phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) vào ngày 18/02/2023 sau khi đã uống liên tục 15 viên Paracetamol (hàm lượng 500 mg/viên) trong thời gian ngắn để cắt cơn đau nửa đầu đã kéo dài suốt 3 ngày. Đây là loại thuốc được đánh giá là an toàn, thế nhưng nếu dùng không đúng chỉ định, dùng quá liều thì chúng ta sẽ ngay lập tức gặp phải tình trạng như nam sinh đó – tình trạng này được y học gọi là ngộ độc paracetamol.
Ngộ độc paracetamol: Cách xử trí và phòng ngừa
Ngộ độc Paracetamol là gì?
Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng nhất hiện nay. Liều khuyến cáo của paracetamol với người lớn là 10-15 mg/kg cân nặng, không quá 4g/ngày, mỗi lần uống cách nhau từ 4-6 giờ và liều lượng của mỗi lần không được quá 1000 mg.
Khi vào cơ thể, có tới 90% paracetamol được chuyển hóa ở gan theo con đường sulfat hóa và glucuronid hóa, 5% sẽ được hệ enzyme cytochrome P-450 (chủ yếu ở gan) chuyển hóa thành N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI) gây độc với gan và 5% còn lại không được chuyển hóa.
Nếu dung nạp quá nhiều paracetamol trong một thời gian ngắn, con đường chuyển hóa sulfat hóa và glucuronid hóa bị bão hòa, paracetamol sẽ được chuyển hóa qua hệ cytochrome P-450 nhiều hơn nên sản sinh ra nhiều NAPQI hơn. Khi này, gan sử dụng các chất chống oxy hóa có sẵn tại chỗ (chủ yếu là glutathione) để trung hòa bớt NAPQI. Nhưng nếu vẫn tiếp tục đưa paracetamol vào cơ thể, lượng glutathione cũng sẽ cạn kiệt, NAPQI không được trung hòa sẽ làm tổn thương màng lipid kép của tế bào, gây hoại tử tế bào gan. Đây chính là tình trạng ngộ độc paracetamol.
Paracetamol là thuốc không kê đơn, tức là người bệnh có thể dễ dàng tìm mua ở các hiệu thuốc mà không cần tới chỉ định của bác sĩ. Chính vì vậy, nhiều người có xu hướng lạm dụng chúng trong một thời gian dài để điều trị các triệu chứng đau (chủ yếu là đau đầu, đau bụng, đau răng), cắt cơn sốt. Trên thị trường hiện nay, paracetamol cũng tồn tại trong rất nhiều biệt dược khác nhau như Tiffy, Panadol, Panadol Extra, Efferalgan, Hapadol,… Người bệnh có thể bị ngộ độc paracetamol do uống nhiều loại thuốc chứa cùng hoạt chất mà không hề hay biết. Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới ngộ độc paracetamol. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp ngộ độc là do ý định tự tử.
Các giai đoạn ngộ độc paracetamol
Các biểu hiện ban đầu của ngộ độc paracetamol rất mờ nhạt, thường dễ bị bỏ qua. Sau khoảng 1-3 ngày, các triệu chứng mới bắt đầu rầm rộ do tình trạng viêm gan, suy gan đã trở nặng. Quá trình ngộ độc paracetamol có thể chia làm 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1 (0,5 – 24 giờ đầu tiên):
Người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, có thể tăng SGOT hoặc SGPT (Chỉ số men gan).
Buồn nôn, nôn là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo tình trạng ngộ độc paracetamol
– Giai đoạn 2 (24 – 72 giờ):
Các triệu chứng chán ăn, buồn nôn giảm bớt so với giai đoạn 1, có thể xuất hiện thêm đau tức hạ sườn phải. Các chỉ số SGOT, SGPT tiếp tục tăng. Bilirubin có thể tăng. Tỷ lệ prothrombin giảm. Chức năng thận có thể suy giảm.
– Giai đoạn 3 (72 – 96 giờ):
Tế bào gan bắt đầu bị hoại tử. Người bệnh bắt đầu xuất hiện hoàng đản (vàng da), rối loạn đông máu, bệnh lý não gan, suy thận.
– Giai đoạn 4 (4 – 14 ngày):
Nếu bệnh nhân được cấp cứu và vượt qua 3 giai đoạn trên thì từ giai đoạn 4, tế bào gan bắt đầu được phục hồi trở lại.
Để biết thêm thông tin về các chỉ số SGOT, SGPT, bilirubin, xin mời các bạn xem thêm: Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu.
Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngộ độc paracetamol
Ngộ độc paracetamol vẫn có thể xảy ra khi người bệnh chưa uống quá liều cho phép. Sau đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ngộ độc paracetamol:
– Người suy dinh dưỡng, ăn uống kém, người cao tuổi: Nồng độ glutathione trong gan thấp hơn người bình thường nên khả năng giải độc paracetamol cũng kém hơn.
– Người mắc các bệnh lý về gan, thận mãn tính như xơ gan, suy gan cũng có nguy cơ cao bị ngộ độc paracetamol do giảm khả năng chuyển hóa và thải trừ paracetamol.
– Người nghiện rượu: Ở người nghiện rượu, quá trình chuyển hóa paracetamol theo con đường tạo NAPQI diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn, do đó họ dễ bị ngộ độc paracetamol hơn.
– Thường xuyên sử dụng paracetamol để giảm đau đầu sau khi uống rượu: Vì khi uống rượu và paracetamol, gan vừa phải chuyển hóa cồn, vừa phải chuyển hóa paracetamol.
Tuy nhiên, khả năng của gan hạn chế, vì vậy nếu uống quá nhiều rượu bia cũng như thành phần thuốc giảm đau Paracetamol sẽ gây nguy cơ men gan cao, hoại tử gan cấp hoặc mạn tính nếu lạm dụng.
– Người đang sử dụng các thuốc barbiturate, carbamazepine, rifampicin, isoniazid, phenytoin: Các thuốc này làm gia tăng khả năng hoạt động của hệ enzyme cytochrome P-450. Vì vậy nếu họ dùng paracetamol, lượng NAPQI sản sinh ra sẽ nhiều hơn, nguy cơ ngộ độc paracetamol lớn hơn.
Xử trí khi bị ngộ độc paracetamol
Khi bị ngộ độc paracetamol, người bệnh cần được đưa ngay tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Tùy thuộc vào tình trạng người bệnh, các bác sĩ sẽ áp dụng một hoặc phối hợp một số phương pháp sau đây:
Loại bỏ chất độc
– Gây nôn: Với trường hợp bệnh nhân mới uống paracetamol trong khoảng 1 giờ.
– Rửa dạ dày: Khi bệnh nhân mới uống paracetamol trong vòng 6 giờ.
– Sử dụng than hoạt tính: Dùng sau khi bệnh nhân được gây nôn hoặc rửa dạ dày. Người bệnh được dùng than hoạt tính với liều 1g/kg cân nặng, kết hợp với sorbitol liều tương đương.
Sử dụng thuốc giải độc
N-acetylcystein (NAC) là thuốc giải độc paracetamol duy nhất được chấp nhận hiện nay trên thị trường. Sử dụng NAC sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tình trạng viêm gan. Với những trường hợp muộn hơn, NAC giúp cải thiện tình trạng viêm gan, suy gan, giảm nguy cơ tử vong. NAC giúp giải độc paracetamol theo các cơ chế:
– NAC là tiền chất của glutathione, sử dụng NAC giúp tăng nồng độ glutathione dự trữ trong gan, nhờ đó giúp chuyển hóa NAPQI thành chất không độc.
– NAC thúc đẩy quá trình chuyển hóa paracetamol theo con đường không độc là con đường sulfat hóa.
– Cải thiện tình trạng tuần hoàn gan.
Chính vì vậy, trong cấp cứu ngộ độc paracetamol, sử dụng NAC càng sớm càng tốt. NAC có thể được sử dụng dưới dạng pha uống (từ các biệt dược như Acemuc, Mucomyst). Tuy nhiên, đối với những trường hợp ngộ độc paracetamol nặng hơn hoặc bị liệt ruột, bị nôn không thể kiểm soát thì NAC đường tiêm truyền sẽ được sử dụng.
Ghép gan
Nếu ngộ độc paracetamol đang ở giai đoạn 3, tình trạng suy gan, hoại tử gan quá nặng, việc sử dụng NAC cũng không thể cải thiện tình trạng bệnh thì người bệnh sẽ được cân nhắc ghép gan để duy trì sự sống.
Ghép gan là biện pháp cuối cùng với trường hợp ngộ độc paracetamol nặng
Phòng tránh ngộ độc paracetamol
Một số lưu ý cho người bệnh để tránh ngộ độc paracetamol:
– Nếu bị sốt nhẹ (dưới 38,5 độ) thì không cần thiết phải sử dụng paracetamol.
– Lưu ý về thời gian dùng paracetamol là tối thiểu 4 giờ/lần, một ngày không nên dùng quá 5 lần, liều lượng mỗi lần là 10-15 mg/kg cân nặng. Thời gian sử dụng paracetamol với trẻ em là không quá 5 ngày, người lớn là không quá 10 ngày.
– Những trường hợp đã sử dụng paracetamol kéo dài mà không cắt được cơn sốt hoặc không giảm được đau đau thì không nên tiếp tục uống mà nên đi khám tại bệnh viện để được xử trí.
– Đọc kỹ thành phần các loại thuốc đang sử dụng để tránh uống chồng chéo nhiều loại thuốc cùng chứa paracetamol. Lưu ý: paracetamol còn có tên gọi khác là acetaminophen.
– Trong thời gian đang uống paracetamol thì không được dùng chung với rượu, bia vì làm gia tăng nguy cơ ngộ độc paracetamol.
Nhìn chung, paracetamol được coi là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt tương đối lành tính. Dù vậy, sử dụng không đúng cách có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc paracetamol nguy hiểm. Trên đây là một số biện pháp xử trí và những lưu ý để tránh ngộ độc paracetamol. Hãy theo dõi chúng tôi hoặc liên hệ 1800.1044 (miễn cước) để nhận được thêm những thông tin về sức khỏe hữu ích.
XEM THÊM:
- Bị gút có nên chườm đá không? Làm sao để cải thiện bệnh hiệu quả?
- Vì sao uống nhiều loại thuốc ngủ rồi mà vẫn không ngủ ngon?