Khoai lang luộc là món ăn dân dã, quen thuộc không chỉ được sử dụng để ăn sáng, ăn vặt mà ngày nay, nhiều người còn dùng nó thay thế cho cơm trắng trong các chế độ ăn kiêng và giảm cân.
Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể. Việc ăn khoai lang thường xuyên có thể giúp cải thiện tiêu hóa, giảm viêm, duy trì huyết áp và cải thiện độ nhạy insulin ở những người bị bệnh tiểu đường.
Luộc khoai lang cho thêm thứ này, củ nào cũng ngọt
Dù loại thực phẩm này rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết luộc khoai ngon. Ngoài việc cho bao nhiêu nước, luộc trong bao lâu, chút phụ gia thêm vào cũng có thể giúp món ăn ngon hơn hẳn.
Món khoai luộc cần thêm thứ gia vị mà gian bếp của nhà nào cũng có. Luộc khoai lang cho thêm thứ này, củ nào cũng ngọt và bở. Đó chính là muối.
Khoai lang vốn ngọt, nhưng nếu bạn cho thêm chút muối khi luộc thì sẽ đậm vị hơn. Cách này thậm chí có thể “cứu” những mẻ khoai kém bở, nhạt nhẽo mà bạn mua nhầm.
Bí quyết chọn khoai lang ngon
Để chọn được khoai lang ngon, bạn cần quan sát kỹ hình dáng của từng củ.
– Nên chọn những củ khoai có thân hình dày ở phần giữa và thon ở hai đầu.
– Khoai ngon có phần vỏ màu sắc tươi sáng và đồng đều. Tránh những củ có vết xước, vỏ không đều màu, đặc biệt là những củ có đốm đen vì chúng đã bị hỏng và không tốt cho sức khỏe.
– Có thể kiểm tra bằng cách ngửi mùi, nếu củ khoai có mùi thơm nhẹ thì đó là tín hiệu cho thấy khoai tươi ngon.
– Không nên mua những củ bị sượng hay bị sâu hỏng.
Ngoài ra khi mua khoai, bạn nên chọn những củ có kích cỡ vừa phải, đều nhau. Nếu mẻ khoai lẫn lộn củ to hoặc bé, khi luộc sẽ có củ chín trước, củ chín sau, khoai bở không đều.
Mẹo luộc khoai ngon
Khi bạn mua khoai lang về, bạn không nên đem rửa rồi luộc ngay mà nên để khoai ở nơi khô ráo, thoáng mát trong vài ngày để giảm bớt độ ẩm. Sau khi được phơi thoáng, khoai trở nên bở và ngọt đậm hơn.
Rửa sạch khoai trước khi cho vào nồi luộc, đổ nước ngập khoai, cho thêm muối vào và bật bếp. Với 1kg khoai lang, kích thước củ trung bình, bạn cho thêm 1/2 thìa muối.
Để lửa lớn cho tới khi nước sôi rồi hạ về mức lửa trung bình, sau đó đun thêm 10-13 phút. Tùy theo kích thước và số lượng khoai mà bạn điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp.
Để kiểm tra độ chín, bạn hãy dùng đũa xiên thử qua củ khoai. Nếu thấy khoai mềm, bên trong không còn cứng, sượng là được.
Sau khi khoai chín, bạn đừng vội bỏ ra để ăn ngay. Hãy chắt toàn bộ nước trong nồi đi và đặt nồi khoai lên bếp đun thêm một lúc. Làm như vậy, lớp vỏ bên ngoài sẽ khô ráo và hơi cháy sém. Thêm bước này, khoai sẽ bùi và thơm hơn, hấp dẫn như khoai nướng.
Khoai lang màu gì bổ dưỡng nhất?
Khoai lang ruột vàng, cam thường vị ngọt hơn so với khoai lang ruột trắng. Khoai lang ruột tím nguồn gốc từ đảo Okinawa (Nhật Bản) có kết cấu dạng kem, bột, vị ngọt, là một trong những món ăn giúp người Nhật trường thọ.
Theo Livestrong, các loại khoai lang có hàm lượng vitamin và khoáng chất tương tự nhau, còn màu sắc của khoai lang thể hiện nguồn gốc và hàm lượng chất chống oxy hoá. Khoai lang ruột cam rất giàu carotenoid, khoai lang tím lại giàu anthocyanin.
Carotenoid là nguồn cung cấp vitamin A, rất tốt cho mắt, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh thoái hóa thần kinh Lou Gehrig (ALS). Các carotenoid phổ biến nhất là beta-carotene, lutein, zeaxanthin và lycopene.
Anthocyanin là flavonoid tự nhiên thường có trong các loại trái cây màu tím, đỏ, xanh. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng, anthocyanin không chỉ là chất chống oxy hoá mạnh mà còn có tác dụng chống viêm, chống khuẩn, giúp ngăn ngừa béo phì, bệnh tiểu đường, ung thư.
Khoai lang tím có hàm lượng chất chống oxy hoá và tổng chất xơ cao nhất. Kết luận công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng phòng ngừa và Khoa học thực phẩm cũng chỉ ra khoai lang tím có hàm lượng chất chống oxy hoá anthocyanin cao nhất.
Do đó, nếu bạn đang gặp các vấn đề sức khoẻ hay muốn giảm cân, cải thiện sức khoẻ thì khoai lang tím là sự lựa chọn cực kỳ tốt. Còn nếu muốn chăm sóc sức khoẻ đôi mắt thì hãy chọn khoai lang ruột cam. Nó có hàm lượng vitamin A cao, có thể cung cấp tới 730% nhu cầu vitamin A hàng ngày, giúp cải thiện tình trạng khô mắt, quáng gà, và giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt.