Mổ đục thủy tinh thể: Các phương pháp, quy trình, biến chứng có thể gặp phải

 

  Đục thủy tinh thể là tình trạng xuất hiện nhiều ở những người lớn tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực và mù lòa ở Việt Nam và trên thế giới. Để điều trị tình trạng này, các bác sĩ thường chỉ định mổ đục thủy tinh thể (hay còn gọi là phẫu thuật đục thủy tinh thể). Bài viết này sẽ nêu ra các thông tin cần biết về phương pháp này, mời các bạn tham khảo!

 

Mổ đục thủy tinh thể cần lưu ý gì?

Mổ đục thủy tinh thể cần lưu ý gì?

 

Mổ đục thủy tinh thể là gì?

   Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt ở phía bên trong mắt, có hai mặt lồi, nằm sau mống mắt (lòng đen) bên trong nhãn cầu. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc.

Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm khô, cườm đá) là tình trạng thủy tinh thể bị đục, không còn trong suốt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ đó, làm cản trở, không cho ánh sáng đi qua, gây suy giảm thị lực.

 

Minh họa đục thủy tinh thể.

Minh họa đục thủy tinh thể.

 

   Mổ đục thủy tinh thể là phương pháp nhằm loại bỏ thủy tinh thể bị vẩn đục, suy yếu và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo (kính nội nhãn) để giúp mắt hoạt động tốt hơn. Cho tới nay, đây là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất.

 

Các phương pháp mổ đục thủy tinh thể

Phẫu thuật trong bao (ICCE)

   Phương pháp này sẽ lấy toàn bộ thủy tinh thể và nhân mà không đặt thủy tinh thể nhân tạo. Do đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn thủy tinh thể nữa. Để có thể nhìn rõ mọi vật, người bệnh cần đeo một cặp kính hội tụ dày.

Phương pháp này đã không còn được áp dụng hiện nay nữa.

Phẫu thuật ngoài bao (ECCE)

   Khi thực hiện phương pháp này, chỉ nhân và một phần của vỏ thủy tinh thể bị lấy ra để ghép thủy tinh thể nhân tạo.

   Phương pháp này đã có nhiều cải thiện và ưu điểm hơn ICCE. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao gặp phải biến chứng trong và sau khi phẫu thuật.

Phẫu thuật Phaco

   Đây là phương pháp mổ đục thủy tinh thể được các cơ sở y tế áp dụng hiện nay. Lúc này, một thiết bị nhỏ sẽ được đưa vào trong mắt của bệnh nhân để tán nhuyễn và hút thủy tinh thể bị đục ra ngoài.

   Sau đó, bác sĩ sẽ thay thủy tinh thể nhân tạo vào mắt của người bệnh. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, phẫu thuật Phaco sẽ giúp cải thiện một phần hoặc hoàn toàn thị lực.

   Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu quy trình mổ đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật Phaco.

 

Quy trình mổ đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật Phaco

Kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm

   Sau khi được chẩn đoán đục thủy tinh thể và có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân cần được kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm như:

  • Khám nội tổng quát.
  • Xét nghiệm máu.
  • Đo điện tâm đồ
  • Siêu âm mắt: Để đo kích thước và hình dạng mắt của bệnh nhân. Từ đó, giúp xác định đúng loại thủy tinh nhân tạo cần cấy ghép.

   Nếu các chỉ số của bệnh nhân bình thường, bác sĩ sẽ tư vấn loại thủy tinh thể phù hợp và lên lịch phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường,… thì các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh và chỉ tiến hành phẫu thuật khi bệnh đã ổn định.

Tiến hành mổ đục thủy tinh thể

   Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật đục thủy tinh thể cho bệnh nhân theo các bước sau:

 

Thủy tinh thể bị đục sẽ được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.

Thủy tinh thể bị đục sẽ được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.

 

  • Bước 1: Gây tê cục bộ.
  • Bước 2: Rạch một đường nhỏ trên giác mạc của người bệnh.
  • Bước 3: Loại bỏ lớp màng trước của thủy tinh thể.
  • Bước 4: Tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục và hút dần ra ngoài.
  • Bước 5: Đặt thủy tinh thể nhân tạo, điều chỉnh vị trí để đảm bảo tương đối.
  • Bước 6: Đậy vạt giác mạc.
  • Bước 7: Vệ sinh lại mắt lần cuối, nhỏ thuốc và băng mắt.

 

Các biến chứng có thể gặp phải khi mổ đục thủy tinh thể

Nhiễm trùng

   Đây là biến chứng rất nghiệm trọng sau khi phẫu thuật, bạn cần liên hệ với bác sĩ điều trị nếu có các triệu chứng:

  • Mắt sưng tấy, đỏ nặng.
  • Chảy mủ.
  • Mắt chảy ra dịch có màu bất thường như: Trắng sữa, vàng, xanh lá cây,…

Đục bao sau

   Đây là biến chứng thường gặp nhất sau khi mổ đục thủy tinh thể. Khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ loại bỏ phần nhân và bao trước của thủy tinh thể nhưng giữ lại bao sau để cố định thủy tinh thể. Tuy nhiên, các yếu tố gây đục thủy tinh thể (lão hóa, tiểu đường, tăng huyết áp,…) vẫn có thể tấn công bao sau, gây đục bao sau.

Viêm nội nhãn

   Đây là tình trạng viêm, sưng đỏ mắt sau khi phẫu thuật. Thông thường, các triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ và sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này không đỡ mà ngày càng tăng lên, bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ ngay vì biến chứng này có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Bong dịch kính

   Sau khi phẫu thuật, bạn có thể thấy các bóng mờ, tia sáng hay những vệt đốm trôi nổi. Đây có thể là tình trạng bong dịch kính. Bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi cần phải đi tái khám để được điều trị phù hợp vì tình trạng này rất dễ dẫn tới rách võng mạc.

Bong võng mạc

   Đây là tình trạng võng mạc nằm ngược trong mắt bạn, đây là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Bạn hãy đến các cơ sở y tế gần nhất nếu có các triệu chứng sau:

  • Cảm thấy như có một tấm màn đen che khuất một phần mắt.
  • Thấy các đốm đen hay sợi dây trôi nổi trước mắt.
  • Thấy có những đốm sáng nhấp nháy trước mắt.

Tăng nhãn áp

   Sau khi mổ đục thủy tinh thể, áp lực nội nhãn có thể bị tăng cao bất thường, đặc biệt ở người cao tuổi. Tăng nhãn áp tạo áp lực lên võng mạc và dây thần kinh thị giác, có thể khiến thị lực suy giảm, mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

 

Biến chứng tăng nhãn áp khiến thị lực suy giảm, có thể dẫn tới mù lòa.

Biến chứng tăng nhãn áp khiến thị lực suy giảm, có thể dẫn tới mù lòa.

 

Cần chuẩn bị gì trước khi mổ đục thủy tinh thể?

   Khi được chỉ định mổ đục thủy tinh thể, bạn nên:

  • Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ khám bệnh cần thiết (như giấy tờ tùy thân, bệnh án, bảo hiểm,…).
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là gội đầu, rửa mặt, cắt tóc hoặc búi tóc gọn gàng.
  • Giải quyết các nhu cầu cá nhân như đi vệ sinh và vệ sinh vùng mặt theo hướng dẫn.
  • Đọc kỹ cam kết phẫu thuật, nhờ bác sĩ giải đáp các thắc mắc trước khi ký.
  • Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, thoải mái, không căng thẳng trước khi phẫu thuật.

 

Sau khi phẫu thuật thủy tinh thể thì nên làm gì để nhanh hồi phục?

   Tùy vào thể trạng của từng người mà thời gian phẫu thuật khác nhau, thường sẽ từ vài tuần đến một tháng. Để rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật, bạn nên:

  • Tuân thủ đơn thuốc và các chỉ định khác của bác sĩ sau phẫu thuật.
  • Sau khi phẫu thuật, nên cho mắt nghỉ ngơi trong 2 – 4 giờ và tránh các hoạt động nặng.
  • Không nên làm việc ngay, đặc biệt là công việc phải tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại,… hay làm việc trong môi trường nhiều khói bụi.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực.
  • Có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Ăn đủ dinh dưỡng, nhiều vitamin từ trái cây, rau xanh.
  • Không dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
  • Hạn chế cúi người, tránh va đập làm tổn thương mắt và tạo áp lực lên mắt.
  • Không để xà phòng dây vào mắt.
  • Không nên đi bơi và tắm suối nước nóng để tránh nhiễm trùng.
  • Không tự ý lái xe cho đến khi mắt hồi phục hoàn toàn.
  • Đeo kính râm mỗi khi ra ngoài.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị nếu có các triệu chứng bất thường như mi mắt bị phù, mắt cộm và chói, xuất huyết trên lòng trắng, nhìn thấy chớp sáng,…

 

Không nên đi bơi hoặc tắm suối sau phẫu thuật để tránh nhiễm trùng.

Không nên đi bơi hoặc tắm suối sau phẫu thuật để tránh nhiễm trùng.

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp mổ đục thủy tinh thể. Đây là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể khá hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chọn các cơ sở y tế uy tín để tránh các biến chứng có thể gặp phải. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

  • Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách phòng ngừa
  • Tìm hiểu về nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *