Mọi người đều có thể bị mụn bọc ở trán khi các tuyến nhỏ bên dưới bề mặt da bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, các nguyên nhân gây ra mụn bọc ở trán cũng như ở nhiều vị trí trên cơ thể còn do thay đổi nội tiết tố, căng thẳng và vệ sinh kém. Mặc dù mụn bọc ở trán không gây ra bất kỳ rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nào nhưng tình trạng này lại gây khó chịu, kém thẩm mỹ và nhất là nếu để lại sẹo.
1. Nguyên nhân gây mụn bọc ở trán
Ngoài tìm hiểu mụn bọc ở trán là gì? Bạn cũng cần biết rõ nguyên nhân gây mụn bọc. Bất kể xuất hiện ở đâu, mụn bọc ở trán hay ở vị trí khác, sự hình thành của mụn đều bắt đầu theo cùng một cách, thường là do bốn nguyên nhân: tắc nang tuyến bã, vi khuẩn hoặc nấm trong nang, tích tụ dầu hoặc bã nhờn và viêm nhiễm trên da. Tuy nhiên, mụn ở từng khu vực cụ thể có thể trầm trọng hơn khi một vật nào đó gần da tiếp xúc thường xuyên với nó.
1.1 Sản xuất dầu thừa
Mụn bọc ở trán có chung cơ chế bệnh sinh với mụn trên khuôn mặt, cụ thể là nội tiết tố, di truyền và môi trường. Theo đó, mụn bọc ở trán, giống như tất cả các triệu chứng mụn trứng cá, bắt đầu với lượng dầu dư thừa do tuyến bã nhờn tiết ra. Dầu thừa này được đưa qua lỗ chân lông để bảo vệ và dưỡng ẩm cho da, đôi khi có thể bị tắc nghẽn trên đường di chuyển lên bề mặt da, tạo ra nơi sinh sản cho vi khuẩn gây mụn.
1.2 Đeo phụ kiện chật
Bất kỳ thứ gì có thể tiếp xúc với vùng trán, như băng đô, khăn quàng cổ hoặc thậm chí là tóc cũng như các sản phẩm làm tóc bị rò rỉ trên da trán đều sẽ gây ra mụn bọc ở trán.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với bất kỳ ai có thể tập thể dục nhiều hoặc thích các hoạt động liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm, chẳng hạn như đi xe đạp.
1.3 Dầu thực vật
Dầu thực vật cũng có thể là nguyên nhân thực sự đối với làn da bị mụn. Theo đó, sử dụng các sản phẩm như dầu dừa và dầu ô liu trên da đầu và tóc có thể gây ra mụn ở trán, vì các sản phẩm như vậy có xu hướng làm tăng sự phát triển của vi sinh vật trên da.
1.4 Một số sản phẩm dành cho tóc
Các loại sản phẩm dành cho tóc có thể len lỏi từ tóc và lên trán rồi gây mụn bọc ở trán, nhất là khi chúng có tính nhờn hoặc dây dính. Hơn nữa, nếu kém vệ sinh tóc, da đầu nhờn cũng có thể gây ra mụn bọc ở trán. Vì vậy, hãy thực hiện các bước bảo vệ tóc với các sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp nhằm tránh khiến cho các biểu hiện mụn tồi tệ hơn
1.5 Mồ hôi
Đổ mồ hôi được biết là rất tốt cho da vì giúp giải độc cơ thể, có khả năng liên kết và loại bỏ vi khuẩn nhưng điều đó chỉ cải thiện tình trạng da bị mụn khi được rửa sạch càng sớm càng tốt và không để lại trên đầu của lỗ chân lông. Theo đó, nếu đổ mồ hôi nhiều sẽ làm tăng dầu trong các nang lông tăng lên và nếu không được rửa sạch ngay sau khi đổ mồ hôi, có thể làm cho mụn bọc ở trán trở nên tồi tệ hơn.
1.6 Tế bào da chết
Da không tẩy tế bào chết góp phần tạo ra vi khuẩn gây mụn trong lỗ chân lông bị tắc. Đó là lý do tại sao tẩy tế bào chết rất quan trọng đối với sức khỏe làn da. Theo đó, nếu thực hiện tẩy tế bào chết cho da thường xuyên sẽ giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm hình thành mụn bọc.
2. Cách điều trị mụn bọc ở trán như thế nào?
Khi đã hiểu rõ về các nguyên nhân gây ra mụn bọc ở trán, việc định hướng điều trị tình trạng mụn bọc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Tẩy tế bào chết. Nếu có ít mụn bọc ở trán, việc làm sạch và tẩy tế bào chết thường xuyên bằng sản phẩm tẩy da chết hóa học không gây kích ứng sẽ giúp giữ cho lỗ chân lông sạch sẽ và không bị tắc nghẽn. Trong khi đó, các chất tẩy tế bào chết vật lý, như tẩy tế bào chết trên mặt, có thể làm trầm trọng thêm tình hình này.
- Dưỡng ẩm da. Cách dễ dàng để thông báo cho cơ thể ngừng sản xuất nhiều dầu hơn là đảm bảo da đủ ẩm. Hãy rửa sạch mặt và bôi một loại kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng để giữ nước cho da ngay sau đó.
- Thử dùng retinoid. Thuốc trị mụn chứa retinoid sẽ giúp thúc đẩy quá trình thông thoáng lỗ chân lông, hạn chế khả năng chúng bị tắc và gây hình thành mụn bọc.
- Dùng thuốc. Bác sĩ sẽ cần chỉ định thuốc trị mụn phù hợp với người bị mụn bọc ở trán mức độ nặng và không đáp ứng với các biện pháp trị mụn thông thường. Trong đó, việc bổ sung thuốc kháng sinh uống và isotretinoin thường sẽ đem lại hiệu quả cao.
Thử liệu pháp kết hợp. Đối với các triệu chứng mụn bọc ở trán mãn tính hoặc kháng trị, đôi khi cách hành động tốt nhất là kết hợp nhiều biện pháp cùng lúc, như vừa làm sạch da đúng cách, tẩy tế bào chết và điều trị bằng thuốc bôi theo toa, giúp đem lại hiệu quả tối ưu.
Tóm lại, không hiếm người nổi mụn bọc ở trán và không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân gây ra mụn bọc ở trán đối với trường hợp của mình như thế nào. Từ đó, tình trạng mụn bọc ở trán thường không được chữa khỏi và dễ tái phát. Như vậy, với những hiểu biết nêu trên, cùng cách chăm sóc da thích hợp bạn sẽ nhanh chóng loại bỏ được các loại mụn bọc trên trán và có được làn da như mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: byrdie.com – medicalnewstoday.com