1. U nang / U bã đậu vùng tai là bệnh gì? – U nang vùng tai là tình trạng khối u xuất hiện ở vùng tai, thường có kích thước nhỏ, di động, phát triển chậm theo thời gian. – U thường không gây ra triệu chứng và không có xu hướng tiến triển thành ác tính. Chúng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi phát triển lớn hoặc gây đau nhức khi bị viêm nhiễm.
– Vị trí xuất hiện có thể gặp: mặt trước hoặc mặt sau vành tai, ở dái tai, nếp gấp sau tai, phần ranh giới giữa tai và vùng mặt. – Có 2 loại u nang vành tai: + U nang bã đậu: Có cấu tạo bởi lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã mềm, màu vàng nhạt hoặc vàng đục. + U nang bã nhờn (hay còn gọi u nang biểu bì hoặc keratin).
2. Nguyên nhân gây bệnh u nang/ u bã đậu vùng tai là gì? – U nang bã đậu: Hình thành từ các nang tuyến bã nằm dưới chân lông của vùng tai. Khi tuyến bã tiết nhiều chất nhầy như ở tuổi dậy thì hoặc vệ sinh tai không sạch sẽ làm cho lỗ chân lông bị chít hẹp gây ứ đọng, tích tụ chất bã dẫn đến sự xuất hiện của u bã đậu ở vị trí này. – U nang bã nhờn: Thường gây ra bởi sự tích tụ keratin (một protein tự nhiên có trong các tế bào da). U nang phát triển khi protein bị mắc kẹt bên dưới da do da hoặc nang lông bị phá vỡ. – Điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của u nang vùng tai: + Tăng tiết tuyến bã, tuyến mồ hôi (đàn ông, người ở độ tuổi dậy thì). + Bị mụn trứng cá. + Bị chấn thương da.
3. Triệu chứng của u nang/ u bã đậu vùng tai là gì? – Bệnh nhân thường đến gặp bác sỹ với các triệu chứng: + Cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ do u nang phát triển nhanh, kích thước lớn. + Đau do u nang bị vỡ hoặc bị nhiễm trùng gây sưng, đỏ. – Triệu chứng thực thể khi thăm khám: + Một vết sưng tròn, giới hạn rõ dưới da hoặc nổi hẳn lên trên bề mặt da. + Có thể có mụn đầu đen nhỏ xíu ở trung tâm của u nang. + Da vùng nang không đổi màu hoặc đậm hơn so với bình thường. + Sờ vào u nang cảm giác mềm. + Khi u nang vỡ thấy dịch chảy ra (đặc trắng như bã đậu hoặc vàng), thường có mùi hôi. + Khu vực nang và da xung quanh nang đỏ, sưng nề, sờ vào gây đau khi bị viêm nhiễm, áp xe hóa.
4. Biến chứng nếu không điều trị là gì? – U nang vành tai không gây biến chứng nghiêm trọng. – Biến chứng nhiễm trùng lan tỏa khi bệnh nhân tự ý nặn nang, không đảm bảo vệ sinh và vô khuẩn. – Di chứng thẩm mỹ sẹo xấu hoặc nang dễ tái phát do bệnh nhân đến muộn, nang bị nhiễm trùng, bị vỡ, bị hoại tử khiến bao nang và da vùng xung quanh nang không còn nguyên vẹn.
5. Khi bị u nang/ u bã đậu người bệnh cần làm gì? – Không tự nặn, cậy, bóp u nang biểu bì. – Giữ sạch u nang. – Khi bị viêm sưng, vỡ mủ cần đến ngay bệnh viện điều trị.
6. Điều trị u nang/ u bã đậu vùng tại như thế nào? – Các u nang biểu bì không tự biến mất hoàn toàn. Vì u nang không nguy hiểm, không gây nguy cơ về sức khoẻ, nó có thể để yên không cần can thiệp nếu không gây khó chịu thẩm mỹ. – Nếu u nang trở nên đỏ, sưng hoặc đau, thay đổi kích thước hoặc bị nhiễm trùng cần phải dùng thuốc. Trong những trường hợp như vậy, lựa chọn điều trị thường bao gồm kháng sinh. Đôi khi u nang cũng có thể được dẫn lưu hoặc tiêm thuốc vào giúp làm giảm sưng, giảm đau. Nếu bạn cần điều trị, có các phương pháp sau:
6.1. Rạch và dẫn lưu khi u nang bị viêm bội nhiễm – Bác sỹ sẽ thực hiện một vết cắt nhỏ trên u nang và nhẹ nhàng ấn đẩy các chất dịch bên trong ra, sau đó đặt dẫn lưu trong vòng 2-3 ngày. – Đây là một phương pháp khá nhanh chóng và dễ dàng, nhưng u nang thường có khả năng tái phát sau khi điều trị.
6.2. Tiểu phẫu bóc trọn khối u khi chưa bị viêm bội nhiễm – U nang biểu bì có thể được cắt bỏ hoàn toàn, đây là một phẫu thuật nhỏ, an toàn, hiệu quả và thường ngăn ngừa u nang tái phát. Nếu u nang của bạn bị viêm, bác sỹ sẽ thăm khám và có thể trì hoãn tiểu phẫu. – Chăm sóc sau khi làm thủ thuật: Bóc u được thực hiện ngoại trú, bệnh nhân lên bệnh viện thay băng, vệ sinh vết thương hằng ngày trong vòng 2-3 ngày đầu. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân tự làm vệ sinh tại nhà, cắt chỉ sau 7 ngày. – Thuốc điều trị sau thủ thuật: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau trong 5 ngày.
7. Biến chứng có thể xảy ra sau bóc u Thủ thuật bóc u nang/u bã đậu vùng tại là kỹ thuật tương đối đơn giản, nhưng cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ sau: – Bệnh nhân phản ứng với thuốc tê. – Chảy máu. – Nhiễm trùng. – Sẹo xấu. – Tái phát đối với u bị viêm, xẻ rạch dẫn lưu.
8. Những bệnh nhân cần lưu ý trước khi bóc u 8.1. Những thông tin chung – Ước lượng chi phí điều trị – Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế: + Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong điều trị. + Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống. + Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi). + Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn,… + Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.
8.2. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ thực hiện cho bệnh nhân trước thủ thuật – Bệnh nhân và người nhà > 18 tuổi (ba/mẹ/vợ/chồng) sẽ được giải thích và hướng dẫn ký cam kết trước khi bóc u. – Trước khi bóc u sẽ được đặt kim luồn để dự phòng phản ứng thuốc tê.
9. Những điều cần biết khi chăm sóc vết mổ tại nhà. 9.1. Theo dõi bệnh – Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. – Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
9.2. Chế độ ăn uống
– Uống nhiều nước 2.5 l/ngày, bổ sung thêm nước cam, chanh. – Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. – Hạn chế ăn các thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ; tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, café… (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương).
9.3. Chế độ vận động, sinh hoạt – Vận động bình thường, tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng. – Có thể tắm rửa bình thường, khi tắm tránh để nước ướt vào vết thương.
9.4. Chế độ chăm sóc vết thương – Nên đến thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện để được Bác sỹ và điều dưỡng theo dõi tình trạng vết thương trong vòng 2 – 3 sau khi làm thủ thuật. Sau đó có thể tự thay băng ở nhà. – Phải giữ vết thương sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay. – Vết thương sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày bóc u. – Tái khám sau khi uống hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh. Hoặc khi vết thương sưng nóng đỏ đau, chảy dịch tiết nhiều, u nang tái phát.