Gần đây, có rất nhiều người truyền tai nhau về việc sử dụng nước ép bí đỏ trị tiểu đường. Vậy, liệu bí đỏ có thực sự giúp kiểm soát đường huyết hay không và người bệnh tiểu đường nên sử dụng bí đỏ như thế nào? Cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Nước ép bí đỏ trị tiểu đường được không?
Bí đỏ có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe như chống tiểu đường, chống ung thư, chống oxy hóa, kháng khuẩn, ức chế hình thành sỏi thận, hạ huyết áp, chống viêm và chống đông máu.
Cụ thể về tác dụng của bí đỏ trong điều trị tiểu đường, có một số nghiên cứu ghi nhận như sau:
- Các phần trong bí ngô như cùi quả, dầu từ hạt chưa nảy mầm và protein từ hạt nảy mầm có đặc tính hạ đường huyết. Điều tra sơ bộ cũng cho thấy hạt bí ngô và các đại phân tử trong đó như trigonelline, axit nicotinic và D-chiro-inositol có tác dụng hạ đường huyết, có thể hỗ trợ duy trì kiểm soát đường huyết.
- Bột bí ngô giúp cải thiện khả năng dung nạp glucose đường uống, giảm mỡ máu, cải thiện tình trạng kháng insulin trên chuột.
- Bột bí ngô khổng lồ (Cucurbita maxima) giúp làm giảm đáng kể mức đường huyết ở bệnh nhân nhập viện nguy kịch, giảm không đáng kể liều insulin. Điều này do các hợp chất polysacarit, flavonoid và saponin có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, chống lại quá trình stress oxy hóa có thể dẫn tới kháng insulin và bệnh tiểu đường. Ngoài ra, polysaccharides và pectin của bí ngô làm tăng nồng độ insulin trong huyết thanh và giảm lượng đường trong máu.
- Một nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh tác dụng hạ đường huyết của bí mèo đen (Cucurbita ficifolia) ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có mức đường huyết vừa phải.
Trong dân gian, từ xa xưa người Trung Quốc và Ấn Độ đã sử dụng bí đỏ như một loại cây chống tiểu đường.
Dù vậy, các nghiên cứu này thực hiện trên quả bí đỏ, chứ chưa ghi nhận tác dụng nước ép bí đỏ trị tiểu đường.
Ngoài ra, những lợi ích khác của bí đỏ phải kể đến như:
- Tốt cho mắt: bí đỏ là nguồn vitamin A dồi dào tốt cho mắt. Nó cũng chứa hai hợp chất chống oxy hóa quan trọng, có thể đi vào mô mắt là lutein và zeaxanthin, giúp chống lại thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do tuổi tác.
- Tốt cho tim mạch: hàm lượng kali cao, chất xơ và vitamin C dồi dào của bí đỏ giúp bảo vệ tim mạch, góp phần phòng ngừa biến chứng tim mạch do tiểu đường.
- Nâng cao hệ miễn dịch: nhờ giàu vitamin C, E, A và sắt.
- Hỗ trợ giảm cân: bí đỏ giàu chất xơ và ít calo nên giúp kéo dài quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp bạn no lâu hơn, giảm thèm ăn.
Có nên dùng nước ép bí đỏ trị tiểu đường?
Người tiểu đường ăn bí đỏ được không thì câu trả lời là hoàn toàn được. Những giá trị dinh dưỡng và lợi ích của loại quả này với người tiểu đường ít nhiều đã được chứng minh bằng khoa học. Các thầy thuốc y học cổ truyền ở Ấn Độ và Trung Quốc khuyên nên uống dịch chiết nước thô (nước sắc) từ quả bí đỏ để điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Về nước ép bí đỏ tươi, hiện vẫn chưa có tài liệu nào đề cập.
Nếu bạn muốn sử dụng nước ép bí đỏ trị tiểu đường như một giải pháp hỗ trợ thì vẫn có thể được, nhưng phải lưu ý những điều sau đây:
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
- Nếu được bác sĩ cho phép, chỉ sử dụng lượng nhỏ và cân đối với lượng carbohydrate nạp vào trong ngày. Bí đỏ có chỉ số GI là 75, thuộc mức cao. Nhìn chung, mọi người được khuyên không nên uống quá 150ml nước ép trái cây các loại mỗi ngày. Với bí đỏ nấu chín, 240g bí đỏ nấu chín chứa khoảng 22g chất bột đường, tương đương ½ chén cơm.
- Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng thuốc tiểu đường. Khi dùng nước ép bí đỏ cùng với thuốc, hãy theo dõi chỉ số đường huyết liên tục. Nếu thấy bất thường, cần phải dừng sử dụng nước ép bí đỏ ngay hoặc đi khám.
Với kết quả của những nghiên cứu và kinh nghiệm từ y học cổ truyền hiện có, tốt hơn bạn vẫn nên ăn bí đỏ thay vì sử dụng nước ép bí đỏ trị tiểu đường. Bạn có thể thử một số món ngon từ bí đỏ như:
- Nấu quả non như rau
- Dùng quá chín làm thành bánh, sữa, nấu canh
- Rang hạt làm món ăn vặt hoặc làm sữa hạt
- Xay cùng rau quả khác để tạo thành món sinh tố.
Trên đây là những thông tin về nước ép bí đỏ trị tiểu đường. Trước khi sử dụng bất kỳ giải pháp hỗ trợ cho bệnh tiểu đường nào, kể cả từ thiên nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp nhé!