Rối loạn lo âu – Khi nỗi sợ chiếm giữ linh hồn bạn

 

   Lo âu là một phản ứng tâm lý bình thường, được hình thành qua quá trình tiến hóa. Sự sợ hãi giúp chúng ta thích nghi, chuẩn bị, và cẩn trọng hơn với các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn. Tuy nhiên, khi lo âu xuất hiện thường trực và làm đảo lộn cuộc sống, thì nó lại trở thành một rối loạn về tâm lý. Trong bài bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng rối loạn lo âu nhé!

 

Rối loạn lo âu - Khi nỗi sợ chiếm giữ linh hồn bạn

Rối loạn lo âu – Khi nỗi sợ chiếm giữ linh hồn bạn

 

Rối loạn lo âu – Căn bệnh của xã hội hiện đại

   Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder) là một trong những căn bệnh tâm thần thường gặp trên toàn thế giới và cả tại Việt Nam. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến người trưởng thành, mà còn cả trẻ em.

    Theo một số thống kê, khoảng 30% người trưởng thành từng trải qua rối loạn lo âu ở một thời điểm nào đó trong đời. Trong khi đó, tỷ lệ này ở trẻ em rơi vào khoảng 10 – 15%.

   Sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại luôn đem đến cho chúng ta nhiều thử thách và biến cố. Số lượng người thất nghiệp, vợ chồng ly hôn, mất người thân vì tai nạn, bệnh tật, lạm dụng các chất kích thích,… ngày càng gia tăng. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho rối loạn lo âu hình thành và ngày một trở nên phổ biến hơn.

 

Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu là gì?

    Rối loạn lo âu xuất hiện khi nỗi sợ hãi hoặc lo lắng trở nên thái quá đến mức vô lý và kéo dài triền miên. Điều này thể hiện qua những thay đổi về sinh lý, cảm xúc, tâm lý, và hành vi của người bệnh. Cụ thể:

  • Biểu hiện sinh lý: Người bệnh có thể bị tăng tiết mồ hôi, khô miệng, run tay chân, tê buốt, khó thở, thở gấp, tim đập nhanh, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, uể oải, đau mỏi toàn thân.
  • Biểu hiện cảm xúc và tâm lý: Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng, bất an, lo lắng một cách vô lý, thậm chí là hoảng loạn. Họ có xu hướng suy nghĩ và hồi tưởng về các trải nghiệm đau buồn trong quá khứ, hoặc bị ám ảnh về điều khiến bản thân lo sợ.
  • Biểu hiện hành vi: Người bị rối loạn lo âu khó có thể giữ bình tĩnh, mà luôn trong tình trạng mất tập trung, bồn chồn không yên, đi lại liên tục. Họ cũng dễ bị rối loạn giấc ngủ hoặc gặp ác mộng. Một số người có thể luôn thực hiện các việc mang tính nghi thức, để khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn.

 

Người bệnh rối loạn lo âu có xu hướng lo lắng và sợ hãi thái quá

Người bệnh rối loạn lo âu có xu hướng lo lắng và sợ hãi thái quá

 

  Theo hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, một người được xác định mắc rối loạn lo âu khi các vấn đề trên diễn ra hầu hết các ngày trong tuần và ít nhất 6 tháng. Người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cảm xúc lo lắng, sợ hãi, và chúng tác động tiêu cực, gây trở ngại đến cuộc sống của người bệnh.

 

7 kiểu rối loạn lo âu thường gặp

   Rối loạn lo âu không chỉ có một dạng duy nhất, mà được chia thành 7 kiểu khác nhau, dựa theo những cách phản ứng với xã hội của từng người bệnh. Những loại rối loạn lo âu này có thể kể đến như:

Rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder – GAD)

   Tình trạng này thường khởi phát trước tuổi 25,  nữ giới có tỷ lệ mắc cao gấp đôi nam giới. Người bệnh thường lo lắng dai dẳng, bận tâm quá mức về những chủ đề hàng ngày như học tập, công việc, gặp gỡ bạn bè, sức khỏe, tiền bạc, xe cộ, trách nhiệm với gia đình,…

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder – OCD)

   Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được đặc trưng bởi những suy nghĩ ám ảnh một cách vô lý. Điều này thôi thúc người bệnh thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại, nhằm đem lại cảm giác dễ chịu nhất thời. Ví dụ, người bệnh rửa tay liên tục vì sợ bẩn, sắp xếp các đồ vật theo một trật tự hoàn hảo, luôn đếm bậc khi đi cầu thang,…

Rối loạn hoảng sợ (panic disorder – PD)

   Người bệnh bị sợ hãi dữ dội, tim đập nhanh, khó thở, luôn có cảm giác mối nguy hiểm hoặc cái chết đang đến gần. Các biểu hiện này thường kịch phát đột ngột, mạnh mẽ và lặp đi lặp lại theo một chu kỳ, không có nguyên nhân cụ thể hay dấu hiệu báo trước.

Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (post-traumatic stress disorder – PTSD)

   Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn có thể xảy ra sau khi người bệnh trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện gây tác động nghiêm trọng đến tâm lý. Đó có thể là các cuộc khủng bố, chiến tranh, bạo lực, thảm họa thiên nhiên, tai nạn, hoặc lạm dụng tình dục,… Người bệnh cũng có biểu hiện né tránh những tình huống tương tự.

 

sau sang chấn tâm lý

Rối loạn lo âu có thể xuất hiện sau sang chấn tâm lý

 

Rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder – SAD)

   Rối loạn lo âu xã hội còn được gọi là ám ảnh sợ xã hội, đặc trưng bởi sự lo sợ và né tránh các tình huống xã giao bình thường. Người bệnh cảm thấy thiếu tự tin, xấu hổ, sợ bị đánh giá khi nói chuyện với người lạ, nói trước đám đông, dự tiệc, ăn trước mặt người khác.

Rối loạn lo âu chia ly (separation anxiety disorder)

    Tình trạng rối loạn lo âu này xảy ra khi người bệnh phải trải qua cảm giác chia cắt với những người thân yêu, gắn bó. Đó có thể là do cái chết của người thân, bạn bè, vật nuôi, hoặc đổ vỡ trong một mối quan hệ, hay có khi chỉ đơn giản là thay đổi về mặt địa lý. Đối tượng dễ mắc phải tình trạng này đa số là trẻ em, nhưng cũng có thể bắt gặp ở người lớn.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (phobia)

    Tình trạng này đặc trưng bởi tình trạng người bệnh sợ hãi quá mức và vô lý với những tình huống, sự vật không thật sự nguy hiểm. Đó có thể là nỗi sợ đám đông, không gian khép kín, khoảng trống, độ cao, đi máy bay, kim tiêm, máu,… Trên thực tế, hầu hết những người mắc chứng ám ảnh sợ hãi đều nhận ra rằng sự lo lắng của họ không bắt nguồn từ thực tế, nhưng không thể ngăn bản thân khỏi cảm giác đó.

 

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn lo âu?

   Hiện nay, các nguyên nhân gây rối loạn lo âu vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Nguyên nhân dễ dàng nhận thấy nhất có lẽ là những sang chấn về tâm lý. Tuy nhiên, các chuyên gia còn cho rằng, rối loạn lo âu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như:

  • Di truyền: Trẻ có thể thừa hưởng gen dễ lo lắng, từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu.
  • Môi trường: Nếu những người thân trong gia đình có xu hướng lo âu, căng thẳng thái quá, thì tâm lý, tính cách của trẻ cũng sẽ bị tác động theo.
  • Rối loạn chức năng não bộ: Các chuyên gia nhận thấy rằng, hồi hải mã ở người bệnh có sự hoạt động quá mức. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc.
  • Yếu tố nhân cách: Bệnh thường dễ xảy ra ở những người hay lo lắng, suy nghĩ nhiều, nhút nhát, thụ động. Trong khi đó, những người hoạt bát, vui vẻ có nguy cơ mắc ít hơn.

 

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn lo âu?

Những người nhút nhát, thụ động có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

 

Điều trị rối loạn lo âu bằng cách nào?

   Ưu tiên hàng đầu trong điều trị rối loạn lo âu vẫn là sử dụng liệu pháp tâm lý. Chuyên gia tâm lý sẽ dành thời gian để trò chuyện, nhằm mục đích giúp người bệnh hiểu về tình trạng của mình, nhận biết những điều đang khiến họ gặp khó khăn, cũng như các khả năng của bản thân.

   Nhờ đó, người bệnh sẽ hình thành thói quen suy nghĩ, hành động và phản ứng tích cực trước các tác nhân gây lo lắng, sợ hãi. Đồng thời, chuyên gia cũng giúp người bệnh học và thực hành tốt các kỹ năng xã hội bao gồm cả giao tiếp và thích ứng.

    Cùng với đó, một số phương pháp khác cũng được sử dụng kết hợp như:

Dùng thuốc

  • Thuốc chống lo âu như Benzodiazepine giúp giảm các biểu hiện lo lắng, cơn hoảng sợ hoặc sợ hãi cực độ.
  • Thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong ngắn hạn để giảm triệu chứng cấp tính. Thuốc thường dùng nhất là chất ức chế tái hấp thu serotonin – SSRIs, hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng khi SSRIs không hiệu quả.
  • Các thuốc khác: Thuốc bổ sung canxi, magie.

Chăm sóc tại nhà

  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh.
  • Ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng.
  • Kiểm soát các tác nhân gây căng thẳng, stress.
  • Thường xuyên động viên, trò chuyện với người thân.
  • Tổ chức các hoạt động tập thể trong gia đình.

 

Những việc cần làm giúp phòng ngừa rối loạn lo âu

   Để phòng ngừa rối loạn lo âu trầm cảm, bên cạnh việc ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, thư giãn, bạn nên thực hiện thêm những việc làm dưới đây:

  • Luôn suy nghĩ tích cực, tránh những cảm xúc tiêu cực.
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya, ngủ muộn.
  • Hạn chế tiếp xúc với các thông tin tiêu cực ngoài đời thực hay trên mạng xã hội như: các tin tức, phim ảnh có nội dung bi thảm, ám ảnh,…
  • Dành thời gian chăm sóc bản thân, thực hiện sở thích.
  • Giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, tập thể.
  • Tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên.
  • Tránh xa rượu, bia, thuốc lá hay bất kỳ chất kích thích nào khác.
  • Viết nhật ký.

   Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh lý rối loạn lo âu và cách điều trị, cũng như biện pháp phòng ngừa. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

  • Trẻ cắn móng tay – Vì sao phải bỏ ngay
  • Một số sự thật thú vị về các nhóm máu có thể bạn chưa biết

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *