Trước khi tiến hành sinh thiết phổi, bệnh nhân và người nhà của họ sẽ khó tránh khỏi các thắc mắc như phương pháp này là gì? Có vai trò gì trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi? Nó có an toàn không? Sau bao lâu thì có kết quả?…
Tất cả những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong bài viết ngay sau đây. Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu!
Sinh thiết phổi là gì?
Sinh thiết phổi gì?
Sinh thiết phổi là một xét nghiệm y khoa được thực hiện bằng việc lấy bệnh phẩm từ mô phổi. Mẫu bệnh phẩm đó được dùng để kiểm tra sự thay đổi cấu trúc tế bào bất thường như khối u, viêm, bướu. Kết quả sinh thiết phổi sẽ giúp kiểm tra, chẩn đoán vấn đề bất thường ở phổi, thường là để chẩn đoán bệnh ung thư phổi.
Sinh thiết phổi được chỉ định khi:
- Khi chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính thấy người bệnh có các dấu hiệu bất thường tại phổi.
- Cần xác định xem khối u ở phổi là lành tính hay ác tình.
- Cần xác định giai đoạn của ung thư phổi.
- Một số chỉ định khác: Chẩn đoán nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi hoặc tình trạng bệnh lý hay viêm, nhiễm trùng ở phổi.
Sinh thiết phổi có nguy hiểm không?
Sinh thiết phổi là kỹ thuật y khoa được đánh giá là an toàn, ít gây nguy hiểm cho người bệnh. Ngoài ra, khi sinh thiết, người bệnh cũng được gây tê tại chỗ hoặc gây mê nên cũng không bị đau.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng không phải tuyệt đối an toàn bởi trong một số trường hợp (thực hiện không đúng kỹ thuật, tùy cơ địa từng người…) mà người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng như:
- Mất máu.
- Nhiễm trùng, viêm phổi, tràn khí màng phổi.
- Đau tức tại vùng sinh thiết.
- Một số tình trạng nguy hiểm như ho ra máu, sốt cao, rét run người, khó thở, sưng tấy hoặc tiết dịch bất thường tại vị trí sinh thiết.
Người bệnh có thể bị đau tức tại vùng sinh thiết
Tuy vậy, những tình trạng kể trên thường ít gặp. Trong khi đó, sinh thiết phổi rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán, xác định bệnh và điều trị ung thư phổi. Vì vậy, khi có chỉ định sinh thiết, người bệnh cần thực hiện nghiêm túc, không từ chối làm các xét nghiệm này.
Sinh thiết phổi bao lâu thì có kết quả?
Sinh thiết phổi sẽ không cho kết quả nhanh như những xét nghiệm thông thường. Trung bình, các kết quả sinh thiết phổi sẽ có sau 2-4 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ mất đến 1 tuần để đưa ra kết luận chính xác.
Các phương pháp sinh thiết phổi
Lấy mẫu sinh thiết phổi được thực hiện bằng 4 kỹ thuật như sau:
Sinh thiết mở
Thực chất, đây là một quá trình phẫu thuật. Bác sĩ sẽ gây mê cho bệnh nhân và tiến hành mổ mở ngực, sau đó tiến hành lấy mô tế bào trong phổi để kiểm tra và đánh giá.
Vì cần phẫu thuật mở ngực nên người bệnh sau khi thực hiện phương pháp sinh thiết phổi này cần nằm lại bệnh viện và theo dõi.
Sinh thiết xuyên phế quản
Bác sĩ sẽ thực hiện quá trình nội soi phế quản và mẫu sinh thiết sẽ được lấy trong quá trình nội soi này. Mẫu mô tế bào tại khu vực nghi ngờ sẽ được lấy trực tiếp thông qua ống nội soi.
Tỷ lệ thành công của kỹ thuật nội soi và sinh thiết phế quản là trên 95%, rất hiếm khi xảy ra trường hợp rủi ro hay biến chứng.
Có nhiều trường hợp không thực hiện phương pháp sinh thiết xuyên phế quản được, có thể kể đến như:
- Người bệnh có một số vấn đề về rối loạn tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim nặng, nhồi máu cơ tim.
- Bệnh nhân suy hô hấp, hen phế quản chưa được kiểm soát, tràn khí màng phổi chưa được dẫn lưu, bệnh nhân có tiền sử tràn khí màng phổi trong vòng 1 tháng trở lại đây.
- Bệnh nhân có rối loạn về đông máu.
- Bệnh nhân không hợp tác lấy mẫu sinh thiết.
Sinh thiết xuyên phế quản
Sinh thiết kim
Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ sử dụng một mũi kim sinh thiết đâm qua thành ngược thông qua sự hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính hoặc X-quang. Mũi kim sinh thiết được đưa tới và lấy mẫu mô tại khu vực nghi ngờ tổn thương, có khối u.
Sinh thiết tại phổi thông qua nội soi lồng ngực
Sau khi gây mê cho người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống nội soi xuyên qua thành ngực đi vào trung thất. Lúc này, các dụng cụ sử dụng để sinh thiết sẽ được đưa vào và lấy mẫu mô qua ống nội soi.
Sinh thiết phổi bao nhiêu tiền?
Chi phí xét nghiệm sinh thiết phổi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Kỹ thuật thực hiện sinh thiết
- Cơ sở ý tế thực hiện, trình độ chuyên môn bác sĩ, máy móc, trang thiết bị y tế.
- Các dịch vụ kèm theo.
- Tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Vị trí lấy mẫu
- …
Vì vậy, sinh thiết phổi bao nhiêu tiền sẽ không cố định. Tuy nhiên, theo tham khảo của chúng tôi tại một số bệnh viện lớn thì chi phí cho 1 lần sinh thiết phổi sẽ rơi vào khoảng 1.500.000-2.000.000 vnđ.
Những lưu ý người bệnh cần biết trước khi sinh thiết phổi
Trước khi thực hiện thủ thuật sinh thiết tại phổi, người bệnh cần lưu ý:
- Nói với bác sĩ tất cả những gì bạn biết về sức khỏe hiện tại của mình như triệu chứng, bệnh lý mắc kèm, tiền sử dị ứng và các thuốc đang sử dụng, nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai.
- Hỏi bác sĩ về phương pháp sinh thiết sắp được thực hiện, các biến chứng có thể gặp phải.
- Chuẩn bị tâm lý thoải mái.
- Mặc quần áo rộng rãi khi chuẩn bị và thực hiện sinh thiết phổi.
- Ký bản cam kết trước khi sinh thiết phổi.
- Nhịn ăn từ 5 – 6 giờ trước khi sinh thiết.
- Sau khi sinh thiết, bệnh nhân cần hạn chế vận động nặng trong một vài ngày đầu.
- Theo dõi để phát hiện những bất thường sau khi sinh thiết. Nếu có dấu hiệu của biến chứng, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng khắc phục kịp thời.
- Sau khi sinh thiết, người bệnh cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Trên đây là những giải đáp về sinh thiết phổi giúp bạn đọc hiểu hơn về thủ thuật này. Dù là một kỹ thuật an toàn, ít gây biến chứng nhưng bệnh nhân vẫn cần nắm được những lưu ý như đã trình bày ở trên để quá trình sinh thiết diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt
- Ý nghĩa của 10 chỉ số xét nghiệm khi khám tầm soát ung thư