Clip: Nữ thực tập sinh ở Nhật Bản gói bánh chưng bằng giấy bạc. (Nguồn: Tống Trang)
Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, mạng xã hội lại tràn ngập những bài viết của Việt kiều, du học sinh, người xuất khẩu lao động về việc chuẩn bị đón Tết ở đất khách. Không phải ở đâu người Việt cũng có thể xoay xở kiếm được lá dong để gói bánh chưng, trong khi đối với họ, đây là món ăn nhất thiết phải có để mang lại những cảm xúc thiêng liêng về Tết truyền thống, để cảm nhận được sự ấm áp của quê nhà.
Cách biến báo của nhiều người lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chính là sử dụng giấy bạc, giấy nến mua ở siêu thị. Những đoạn clip quay cảnh gói bánh chưng bằng giấy bạc của họ đang gây sốt trên mạng xã hội, thu hút lượng tương tác lớn.
Là thưc tập sinh đang làm việc tại tỉnh Nigata, Nhật Bản, cô gái Tống Trang (quê Nghệ An) khiến dân mạng trầm trồ khi khoe tài gói bánh chưng, bánh tét bằng giấy bạc cùng các chị em đồng hương. Các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt… đều có thể dễ dàng mua tại Nhật Bản, nhưng lá dong, lá chuối thì không kiếm được.
Bánh gói bằng giấy bạc không có lớp vỏ bọc màu xanh nhưng bù lại, các cô gái vẫn nhuộm xanh được phần nếp bằng nước lá dứa. Tuy màu xanh của những hạt nếp không được đậm như cách xay lá giềng lấy nước để ngâm như cách làm ở Việt Nam nhưng tại xứ người, biến báo được như vậy cũng đủ để Tống Trang và các bạn hài lòng. Các cô rất vui vì dù không có đủ nguyên liệu truyền thống, những chiếc bánh chưng, bánh tét thành phẩm sau khi luộc vẫn rất dẻo và ngon.
Cũng không thể về Việt Nam ăn Tết cổ truyền, Thùy Linh (hiện sống ở thành phố Kobayashi, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản) tự mày mò học gói bánh chưng dù không tìm mua được lá dong, lá chuối. Thay vì gói bánh chưng với kích thước “cơ bản” như nhóm Tống Trang, cô chỉ làm những chiếc “bánh chưng rùa” nhỏ xinh bọc giấy nến.
Linh dùng những miếng bìa carton dựng thành hình vuông nhỏ để làm khuôn, bên ngoài là 2 lớp giấy nến, cho các nguyên liệu vào theo quy trình thông thường. Sau đó, cô gấp các lớp giấy lại và buộc dây hình chữ thập là thành hình bánh chưng.
Những clip tương tự như của Trang và Linh thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Mọi người xúc động và đồng cảm với nỗi nhớ Tết, nhớ nhà và nhu cầu được cảm nhận không khí Tết cổ truyền của những người sống xa đất mẹ khi năm mới đến; đồng thời thích thú với tinh thần “cái khó ló cái khôn” và sự giỏi xoay xở của các bạn trẻ.
“Những ngày cuối năm, xem được clip này thấy xúc động và nhớ nhà thật. Mình cũng 2 năm không được đón Tết ở nhà rồi”; “Xa nhà mới thấy thèm cảm giác được gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến nhường nào, chỉ biết đếm ngày được trở về” – một số người bày tỏ nỗi nhớ khi xem clip gói bánh chưng theo cách đặc biệt kể trên.
Cư dân mạng cũng khen ngợi sự biến tấu, sáng tạo của chủ nhân các clip: “Người Việt mình giỏi thật, dù ở đâu vẫn nghĩ về quê hương và luôn tìm cách chế biến những món ăn đậm hương vị Việt”, “Nhìn thì dễ, không biết mình làm có thành công không nữa vì không biết cách gói đẹp như các bạn”; “Cuối tuần này được nghỉ làm mình sẽ thử gói, nhìn clip cũng thấy thèm bánh chưng ghê…
Nhiều người xin bí quyết gói bánh ngon mà không có lá dong, sau đó thực hiện rồi quay clip “khoe” lên mạng. Từ đó, việc gói bánh chưng bằng giấy bạc, giấy nến trở thành “hot trend” trong những người Việt xa xứ. Dưới đây là một số clip được chia sẻ:
Clip này thu hút hàng nghìn lượt tương tác. (Nguồn: Tiktok.com/@huyenmiu333)
Không chỉ sử dụng giấy bạc, cô gái này còn lót thêm một lớp giấy nến bên trong. (Nguồn: Tiktok/@tuyetnail1996)
Cô bạn này đầu tư hẳn một chiếc khuôn vuông để gói bánh chưng. (Nguồn: Tiktok/@dunguyen.9800)
Cách làm bánh chưng gói giấy bạc
Nếu bạn cũng đang ở xa quê và không có lá dong để gói bánh, có thể tham khảo cách gói bánh chưng này
Bạn cần chuẩn bị: 1,5kg gạo nếp, 500gr đậu xanh đã tách vỏ, 600gr thịt lợn, một ít rượu trắng, gừng, muối, bột nêm gà, hạt tiêu, lá dứa (có thể thay thế bằng màu thực phẩm xanh lá), giấy nến, màng bọc thực phẩm, giấy bạc.
Gạo nếp rửa sạch, ngâm cùng nước lá dứa (hoặc cho vài giọt màu thực phẩm). Đậu xanh cũng rửa sạch và ngâm qua đêm. Thịt lợn xát muối, rửa sạch. Nếu sử dụng thịt đông lạnh, bạn nên ngâm với rượu trắng pha vài lát gừng trong khoảng 3 phút rồi rửa sạch lại với nước, sau đó thái lát khoảng 1cm.
Ướp thịt với 1/2 thìa muối (khoảng 3gr), 2gr bột nêm và 1/2 thìa hạt tiêu trong khoảng 1 tiếng.
Đậu xanh đem hấp hoặc nấu chín, đổ ra rổ cho ráo nước rồi giã nhuyễn cùng 1/2 thìa muối. Để tiết kiệm sức và thời gian, bạn có thể dùng máy xay sinh tố để xay đậu cho nhuyễn. Có một cách khác là khi đậu xanh đã ngâm qua đêm, bạn cho đậu xanh nguyên hạt trực tiếp vào bánh.
Cắt giấy nến theo kích thước 30x30cm và gấp lại theo hướng dẫn trong hình dưới.
Tiếp theo, bạn cho một lớp gạo nếp xuống trước và dàn ra để cho đậu xanh và thịt vào giữa, rồi lại cho tiếp một lớp gạo nếp lên trên. Gói chặt tay và bọc chặt với giấy nến, bọc tiếp một lớp giấy bạc bên ngoài và dùng dây cột chặt lại.
Bánh chưng sau khi gói xong, cho vào nồi đổ xâm xấp nước và luộc trong khoảng 3 tiếng là xong. Sau đó, vớt bánh ra, bóc lớp giấy bạc bên ngoài và nén bánh thật chặt. Vậy là bạn đã hoàn thành xong món bánh chưng mà không cần đến lá dong, lá chuối rồi.