Ung thư dạ dày – Triệu chứng, cách phát hiện và phòng ngừa, bất kỳ ai cũng cần biết

 

   Ung thư dạ dày là căn bệnh ác tính phổ biến trên toàn thế giới, có thể gặp ở cả nam và nữ. Trong đó, nam giới có tỷ lệ mắc cao gấp đôi nữ giới ở cùng độ tuổi. Với những triệu chứng không khác biệt nhiều so với các bệnh tiêu hóa khác, ung thư dạ dày thực sự trở thành một mối lo ngại lớn, bởi rất nhiều người khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các triệu chứng, cách nhận biết và phòng ngừa ung thư dạ dày nhé!

 

Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày – Triệu chứng, cách phát hiện và phòng ngừa bất kỳ ai cũng cần biết

 

Những triệu chứng của ung thư dạ dày

   Ung thư dạ dày là căn bệnh xảy ra khi các tế bào bình thường của dạ dày bất ngờ thay đổi cấu trúc, bị đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát. Chúng thoát khỏi sự điều khiển của cơ thể và phân chia liên tục, tạo thành những khối u bên trong dạ dày.

  Theo thời gian, các khối u này bắt đầu xâm lấn các mô ở gần, rồi đến các vị trí xung quanh. Cuối cùng, chúng đi qua hệ thống bạch huyết và di căn bất kỳ đâu trong cơ thể.

   Ung thư dạ dày phát triển qua 5 giai đoạn với mức độ nặng dần theo mức độ xâm lấn của khối u. Ở những giai đoạn đầu, khi tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp niêm mạc dạ dày và chưa gây nhiều tổn thương, các triệu chứng thường rất khó nhận biết. Người bệnh có thể chỉ gặp một số vấn đề như ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, đau âm ỉ không theo chu kỳ.

   Khi khối u ăn sâu vào thành dạ dày và trở nên lớn hơn, các triệu chứng rõ ràng hơn mới bắt đầu xuất hiện. Chúng có thể kể đến như:

  • Đau bụng: Cơn đau dai dẳng, kéo dài liên tục ở vùng thượng vị (phía trên rốn). Người bệnh đau cả trước và sau khi ăn, kèm theo cảm giác căng chướng, đầy hơi rất khó chịu. Đau có thể trở nên dữ dội và không giảm đi kể cả khi dùng thuốc giảm đau.
  • Buồn nôn và nôn: Khối u chèn ép lên dạ dày, gây hiện tượng trào ngược, ợ chua, buồn nôn và nôn, khiến người bệnh chán ăn, thậm chí là sợ ăn.
  • Đi ngoài phân đen và nôn ra máu: Tình trạng xuất huyết tiêu hóa do tổn thương và viêm loét khiến người bệnh đi ngoài có phân màu đen. Ngoài ra, xuất huyết còn khiến cho người bệnh có thể nôn ra máu. Điều này sẽ khiến người bệnh bị thiếu máu.
  • Nuốt nghẹn: Tình trạng này xảy ra khi khối u nằm ở đoạn nối tâm vị và thực quản.
  • Sụt cân nhiều trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân, kèm theo việc luôn cảm thấy mệt mỏi.

 

triệu chứng của ung thư dạ dày

Đau bụng là một triệu chứng của ung thư dạ dày

 

   Có thể thấy, các triệu chứng của ung thư dạ dày rất giống với các bệnh đường tiêu hóa khác. Do đó, nhiều người thường nhầm lẫn và phát hiện bệnh khi đã quá muộn. Lúc này, người bệnh có thể bị hẹp hoặc tắc môn vị, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải nghiêm trọng.

   Ngoài ra, khối u có thể ăn sâu, làm thủng dạ dày, từ đó có thể dẫn đến viêm phúc mạc hoặc dính vào các tạng xung quanh, gây viêm loét, phá hủy tụy, gan, hay tạo thành lỗ thông sang đại tràng,… Khối u cũng có thể theo đường bạch huyết di căn tràn lan ở phúc mạc và đến các cơ quan khác trong cơ thể. Vậy, làm cách nào để có thể nhận biết được mình mắc ung thư dạ dày hay không?

 

Cách nhận biết chính xác mình có mắc ung thư dạ dày hay không

   Để biết chắc chắn mình có mắc ung thư dạ dày hay không, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế từ khi có được các triệu chứng rối loạn tiêu hóa đầu tiên. Các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp nhằm chẩn đoán chính xác nhất. Các phương pháp này có thể kể đến như:

  • Nội soi dạ dày bằng ống soi mềm: Nội soi ống soi mềm kết hợp với sinh thiết là biện pháp quan trọng trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Nội soi cho biết vị trí và tính chất của khối u. Độ chính xác của nội soi trên 95% với những trường hợp ung thư tiến triển. Sinh thiết qua nội soi từ 6 – 8 mảnh cho kết quả chẩn đoán đúng trên 95%. Các phương pháp hiện đại như nội soi phóng đại, nội soi ánh sáng xanh, nội soi kết hợp với phương pháp nhuộm màu để chỉ điểm vùng bấm sinh thiết,… cho độ chính xác cao, phát hiện các tổn thương còn rất nhỏ, giúp cho chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.
  • Siêu âm qua thành bụng và siêu âm nội soi giúp đánh giá tổn thương của dạ dày và tình trạng di căn hạch, phát hiện các tổn thương thứ phát, dịch ổ bụng,… Kỹ thuật siêu âm kết hợp nội soi tiêu hoá và siêu âm có đầu dò tần số cao giúp xác định chính xác mức độ xâm lấn của u nguyên phát qua các lớp của thành dạ dày và tổ chức xung quanh, kể cả với khối u ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, trong trường hợp di căn hạch lân cận, di căn xa thành dạ dày thì phương pháp này có phần hạn chế.
  • Chụp PET/CT có giá trị trong phát hiện các tổn thương nguyên phát tại dạ dày, tổn thương xâm lấn, di căn hạch, di căn xa tới các tạng xa, di căn xương. Chỉ định của PET/CT là đánh giá giai đoạn bệnh, phát hiện tái phát, di căn, đánh giá đáp ứng sau điều trị.
  • Các chất chỉ điểm ung thư: Kháng nguyên ung thư bào thai CEA tăng trong khoảng 33% trong số ung thư dạ dày. Nếu kết hợp với các chất chỉ điểm khác như CA19-9 và CA72-4, thì sẽ giúp đánh giá sau điều trị và tiên lượng bệnh.

 

Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?

   Ung thư dạ dày rất phổ biến ở người từ 40 tuổi trở lên (chiếm khoảng 96% các trường hợp), đặc biệt là nam giới có tỷ lệ mắc cao gấp đôi nữ giới. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dễ mắc phải căn bệnh này hơn khi có người thân từng mắc ung thư, nhất là ung thư dạ dày.

   Ngoài ra, còn có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra ung thư dạ dày, điển hình là nhiễm phải vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), từng bị phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, hút thuốc lá, thói quen ăn uống không lành mạnh,…

    Theo đó, chúng ta sẽ có những biện pháp giúp phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày như:

– Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

– Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, sử dụng các thức ăn chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Hạn chế những thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiễm hóa chất, chất bảo quản,…

– Có chế độ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.

– Khám tầm soát ung thư dạ dày thường xuyên, nhất là với người mắc polyp tuyến dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng,… Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày cũng sẽ giúp làm tăng khả năng điều trị khỏi bệnh lý này.

 

Bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá là cách giúp phòng ngừa ung thư dạ dày

 

    Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về triệu chứng và cách nhận biết ung thư dạ dày, cũng như cách phòng ngừa hiệu quả. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

  • Có 3 dấu hiệu lạ này ở cổ, hãy coi chừng ung thư tuyến giáp
  • Ung thư thực quản – Bệnh lý thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *