Viêm VA là bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ em. Tuy vậy, hiện nay còn nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về căn bệnh này, dẫn đến việc chủ quan và chậm trễ trong điều trị, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy viêm VA là gì? Triệu chứng nào giúp nhận biết viêm VA? Cách phòng tránh và điều trị bệnh ra sao? Bài viết này sẽ trả lời cho bạn tất cả những câu hỏi đó.
Viêm VA là gì?
Viêm VA là gì?
VA (viết tắt của Végétations Adénoides) là tổ chức gồm nhiều tế bào bạch cầu (lympho) nằm ở vòng mũi họng. Khi trẻ hít thở, không khí đi vào mũi, qua VA rồi mới vào phổi. Thông thường, VA có độ dày từ 4 – 5mm nên không làm cản trở đường thở của trẻ.
Các tế bào bạch cầu tại VA có trách nhiệm nhận diện vi khuẩn và tạo ra kháng thể tiêu diệt chúng. VA phát triển mạnh khi trẻ từ 1 – 5 tuổi và teo dần khi trẻ lên 9 – 10 tuổi.
Viêm VA là tình trạng VA bị vi khuẩn, virus tấn công gây viêm nhiễm, làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể.
Vị trí VA và hình ảnh viêm VA
Triệu chứng viêm VA là gì?
Viêm VA có 2 dạng: Viêm VA cấp tính và viêm VA mạn tính với những triệu chứng như:
Viêm VA cấp tính
Đây là tình trạng viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết và có mủ, thường xảy ra ở trẻ từ 1 – 4 tuổi, với những biểu hiện:
- Sốt cao đột ngột: Trẻ bị sốt từ 38 – 39oC, có khi lên đến 40 – 41oC, có thể kèm co giật.
- Nghẹt mũi: VA quá phát to, chèn ép vào cửa mũi sau gây nghẹt mũi. Trẻ bị nghẹt mũi ở cả 2 bên, nghẹt nặng hơn khi nằm. Điều này khiến trẻ thở khó khăn, phải há miệng để thở, khi thở có tiếng khò khè. Trẻ thở ngáy về đêm, tiếng khóc hoặc tiếng nói có giọng mũi. Ở trẻ nhỏ, trẻ bỏ bú hoặc bú ngắt quãng do không thở được.
- Chảy nhiều nước mũi: Nước mũi đặc và không trong suốt mà có màu vàng hoặc xanh, kèm mùi tanh. Tình trạng mủ nhầy đầy hốc mũi cũng gây khó khăn cho việc khám vòm họng qua mũi trước.
- Ho: Triệu chứng này thường xảy ra muộn hơn. Trẻ bị khô miệng do thường xuyên thở bằng miệng gây ho. Ngoài ra, dịch mũi chảy xuống họng cũng gây ho ở trẻ.
- Niêm mạc họng sưng đỏ, hơi thở có mùi hôi.
- Sức khỏe của trẻ giảm sút, khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc.
- Rối loạn tiêu hóa: Thường là đau bụng, nôn trớ, đi ngoài phân lỏng, xảy ra do dịch nhầy chảy xuống đường tiêu hóa của trẻ.
- Có thể bị tắc vòi nhĩ gây giảm thính lực của trẻ.
Viêm VA mạn tính
Viêm VA mạn tính là tình trạng VA quá phát sau khi bị tái phát viêm cấp nhiều lần. Lúc này, VA đã mất khả năng chống lại các tác nhân xâm nhập, ngược lại nó trở thành nơi cư trú lý tưởng của vi khuẩn, virus và nấm.
Trẻ bị viêm VA mạn tính có những biểu hiện sau:
- Nghẹt mũi mạn tính: Tùy từng trẻ mà mức độ nghẹt mũi khác nhau. Có trẻ bị nghẹt mũi nhẹ, chỉ nghẹt về đêm nhưng cũng có trẻ bị nghẹt cả ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn, phải thở bằng miệng.
- Chảy nước mũi mạn tính: Trẻ thường xuyên bị chảy nước mũi, nước mũi trong hoặc đục, màu xanh hoặc vàng.
Biến chứng viêm VA là gì?
Các biến chứng viêm VA là gì? Nếu không được điều trị phù hợp, viêm VA có thể gây ra các biến chứng như:
- Viêm nhiễm đường hô hấp: VA nằm ở góc vòm, do đó mủ rất dễ chảy xuống họng gây ra viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, nghiêm trọng hơn là viêm phổi.
- Biến chứng ở tai: Dịch viêm ở mũi lan vào tai thông qua lỗ vòi tai, từ đó gây viêm tai giữa, viêm tai ứ mủ, viêm xương chũm cấp. Nhiều trường hợp viêm tai giữa tiến triển âm thầm nhưng lại làm giảm thính lực của trẻ.
- Trẻ bị thiếu oxy não gây chậm phát triển về thể chất và tinh thần, chậm chạp, kém hoạt bát.
- Rối loạn phát triển xương miệng: Trẻ bị viêm VA mạn tính có thể có “bộ mặt VA”. Nguyên nhân do trẻ thường xuyên dùng miệng để thở, mũi ít được sử dụng. Bộ mặt VA có đặc điểm:
- Mặt dài, xương hàm hô, hàm dưới hẹp, bị đẩy ra trước. Trẻ không thể khép miệng.
- Chóp mũi nhỏ hơn, mũi tẹt, trán dô.
- Vẻ mặt kém lanh lợi do thiếu oxy kéo dài.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Do VA quá phát to phối hợp với viêm amidan khẩu cái làm tắc nghẽn hô hấp.
Hình ảnh minh họa bộ mặt VA ở trẻ
Phương pháp điều trị viêm VA là gì?
Điều trị viêm VA cấp tính
Trẻ bị viêm VA cấp tính thường được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc như thuốc kháng sinh, kháng viêm. Việc sử dụng thuốc của trẻ phải theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ.
Ngoài ra, trẻ cần kết hợp giữ vệ sinh mũi, họng sạch sẽ. Trẻ nên được cho nhỏ mũi và súc miệng bằng nước muối loãng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Điều trị viêm VA mạn tính
Với những trẻ bị viêm VA tái đi tái lại nhiều lần hoặc VA quá phát gây nghẹt mũi kéo dài, không đỡ dù đã điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định nạo VA.
Phương pháp nạo VA là một thủ thuật đơn giản, thường không có biến chứng, chỉ diễn ra trong vòng vài ba phút. Sau khi nạo khoảng nửa tiếng đến 1 giờ là có thể về nhà. Trẻ không cần phải kiêng nói và có thể ăn uống bình thường.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý, nạo VA chỉ có tác dụng ngăn ngừa biến chứng khi trẻ chưa có biến chứng. Nếu trẻ đã có biến chứng thì nạo VA không thể làm hết biến chứng được. Vì vậy, khi trẻ có những dấu hiệu viêm VA, phụ huynh không nên chủ quan, hãy đưa trẻ đến các bác sĩ điều trị kịp thời.
Mô phỏng phương pháp nạo VA
Phòng ngừa viêm VA
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa viêm VA, phụ huynh nên:
- Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn lành mạnh: Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể trẻ phát triển tốt, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cho trẻ ăn nhiều loại rau xanh và trái cây có nhiều vitamin.
>>> Xem thêm: Điểm danh top 7 thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ tốt nhất.
- Giữ vệ sinh tai – mũi – họng cho trẻ để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
- Giữ vệ sinh môi trường sống. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, ra ngoài cần đeo khẩu trang phòng bụi bẩn.
- Không cho người khác thơm má hay ho gần trẻ.
- Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.
- Đưa trẻ đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay khi trẻ có những triệu chứng viêm tai – mũi – họng.
- Giữ ấm vùng đầu, cổ, hai bàn chân cho trẻ khi trời lạnh, đặc biệt lúc giao mùa.
>>> Xem thêm: 7 cách tăng sức đề kháng cho trẻ lúc giao mùa.
Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu được “Viêm VA là gì?”, cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh này. Viêm VA không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên cha mẹ cũng không nên chủ quan. Khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám và điều trị kịp thời để tránh biến chứng.
XEM THÊM:
- Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
- Cúm mùa là gì? Tiêm phòng cúm mùa có tốt không?